Các nhà khoa học sẽ bắt đầu tìm kiếm 1,7 triệu virus chưa được biết đến có khả năng gây bệnh cho động vật và con người cuối năm nay.
Một nhóm nhà khoa học quốc tế mô tả Dự án Global Virome (GVP) dự kiến bắt đầu vào cuối năm nay trong bài báo nghiên cứu ngắn (research letter) đăng trên tạp chí Science hôm 23/2, theo Live Science. Mục tiêu của dự án là dành 10 năm tới để xác định, nghiên cứu và hy vọng ngăn ngừa hàng trăm nghìn virus chưa được biết đến có nguồn gốc từ động vật để chúng không gây ra đại dịch toàn cầu tiếp theo.
"Khả năng hạn chế sự xuất hiện của bệnh dịch bị suy giảm bởi sự kém hiểu biết của chúng ta về tính đa dạng và khía cạnh sinh thái học của các mối đe dọa virus. Dự án Global Virome sẽ giúp xác định phần lớn mối đe dọa virus này, đồng thời cung cấp dữ liệu kịp thời cho những can thiệp y tế cộng đồng để giúp chống lại đại dịch trong tương lai", các nhà nghiên cứu cho biết.
Gần 1,67 triệu virus chưa được biết đến có khả năng gây bệnh. (Ảnh: Dreamstime).
Từ cúm gia cầm, bệnh do virus Zika cho đến bệnh có nguồn gốc từ động vật truyền sang người đã chịu trách nhiệm cho nhiều vụ bùng phát dịch bệnh nguy hiểm nhất trong lịch sử. Trên thực tế, đây có thể là những tác nhân chính gây ra đại dịch lớn tiếp theo. Nếu nói những virus này là kẻ thù của chúng ta thì chúng ta vẫn chưa biết nhiều về chúng.
Theo nhóm nghiên cứu, có khoảng 260 loại virus gây bệnh trên cơ thể động vật được biết đến hiện nay có khả năng lây nhiễm cho con người. Số lượng virus này ít hơn 0,01% tổng số virus gây bệnh trên động vật mà con người có thể mắc phải. Dữ liệu từ các đại dịch trong quá khứ cho thấy, có hơn 1,67 triệu virus chưa được biết đến, và khoảng 631.000 - 827.000 virus trong số này có thể lây sang người.
GVP hướng đến mục tiêu thu hẹp khoảng cách kiến thức, hy vọng xác định được 99% những mầm bệnh chưa được biết đến trong thập kỷ tiếp theo. Nó đòi hỏi nỗ lực toàn cầu để phát triển các dự án nghiên cứu virus mới với khoản tiền tài trợ dồi dào. Hiện nay, số quốc gia tham gia vào sáng kiến GVP chưa được xác định rõ, nhưng các đại diện từ châu Á, châu Phi, châu Mỹ và châu Âu đã họp để thảo luận về dự án này từ năm 2016, các nhà nghiên cứu viết trong bài báo.
Chi phí của dự án ước tính khoảng 7 tỷ USD. Tuy nhiên, việc ngăn chặn ngay cả một đại dịch toàn cầu duy nhất cũng có thể đem lại lợi nhuận 10:1 cho khoản đầu tư này. Ví dụ, tổng chi phí toàn cầu để ngăn chặn sự bùng phát của Hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng (SARS) vào năm 2002 ước tính khoảng 40 tỷ USD.