Hiện nay, nước Đức đã có những nỗ lực tích cực trong việc bảo tồn năng lượng bằng những thay đổi gần đây trong Luật Xây dựng, vốn liệt kê các tiêu chuẩn bảo tồn năng lượng trong xây dựng, cùng sự phát triển của kiểu "Ngôi nhà thụ động", một ngôi nhà có hiệu quả về năng lượng.
Kiểu nhà đặc biệt nói trên có các tấm pin năng lượng mặt trời, các cửa sổ với 3 lớp cách nhiệt, cùng một hệ thống thông gió độc đáo, vốn tái chế và ngăn thất thoát nhiệt. Kiến trúc sư thiết kế "Ngôi nhà thụ động", Oliver Jirka, cho biết lợi thế quan trọng nhất của kiểu nhà này là việc loại bỏ các phương pháp sưởi ấm thông thường do sự cách nhiệt tối ưu.
Ngôi nhà của Jirka ở Borgsdorf, gần Berlin, được bao quanh bởi một đệm không khí được bịt kín, giúp giữ nhiệt bên trong nhà. Không khí bên trong nhà được thông gió một cách tự động thông qua một hệ thống các ống ngầm dài 150m, giúp tuần hoàn không khí và duy trì một nhiệt độ không đổi khoảng 8oC. Các cửa sổ có 3 lớp kính giúp cách nhiệt thêm và khoảng trống giữa các tấm kính được lấp đầy bằng khí Arargon.
Dù chi phí xây dựng có cao hơn so với các thiết kế thông thường, nhưng theo kiến trúc sư Jirka thì nó lại tiết kiệm được đáng kể chi phí sưởi ấm và nước nóng, với chỉ khoảng hơn 50 euro một tháng.
Khoảng 6.000 ngôi nhà hoặc căn hộ trên khắp châu Âu đã áp dụng các thiết kế tiết kiệm năng lượng của "Ngôi nhà thụ động". Theo các nghiên cứu, thì năng lượng tiết kiệm được ở các ngôi nhà trên lên tới 80%.
Bên ngoài và bên trong "Ngôi nhà thụ động" (Ảnh: HTV)
CTNN