Nhóm nghiên cứu thuộc Phân viện kỹ thuật công binh và Phòng Robot-CAPIT của Bộ Quốc phòng phối hợp với Trung tâm Nhiệt-Thủy-Khí-Động học thuộc Trường đại học Bách khoa Hà Nội đã thực hiện một công trình tạo khí sinh học từ nguồn phân lợn cho mục đích chạy máy phát điện công suất nhỏ.
Máy phát điện công suất nhỏ của nhóm nghiên cứu khí sinh học (Ảnh: Nhandan) |
Máy phát điện bằng khí sinh học có thể dùng máy phát điện sử dụng xăng chuyển sang chạy bằng khí sinh học nhưng trước hết phải cải tạo bộ phận đánh lửa của máy, lắp thêm bộ phối trộn không khí và khí sinh học vào bộ chế hòa khí của máy chạy xăng.
Dùng loại động cơ bốn thì, chạy xăng, có thể cải tiến các máy phát điện chuyên dùng có sẵn trên thị trường, hoặc có thể chế tạo máy phát điện tái chế bằng cách dùng các động cơ ô-tô cũ sẵn có trên thị trường. Khí sinh học có nhiệt trị 4700-6500 kcal/m3, nhiệt lượng hữu ích 1m3 tương đương với 0,96 lít dầu; 4,7kwh điện; 4,37kg củi gỗ hoặc 6,10 kg rơm rạ. Sản phẩm đầu ra của hầm khí sinh học là nguồn phân bón tốt (chất thải giàu đạm (NH4+)).
Khi sử dụng khí sinh học để chạy máy phát điện, đun nấu hoặc thắp sáng sẽ tạo hỗn hợp cháy hoàn thiện, chống kích nổ tốt hơn xăng, không phá hủy dầu máy, giảm thành phần độc hại trong khí thải (CO, CHx, NOx,...).
Công trình đã áp dụng tại một số hộ gia đình ở xã Vũ Hội, Vũ Thư, Thái Bình cho kết quả tốt. Điện chạy bằng các máy phát công suất nhỏ không những đủ cho các hộ gia đình thắp sáng, dùng trong sinh hoạt mà còn dùng chạy máy bơm nước. Nhóm nghiên cứu đang triển khai hệ thống cho các trang trại chăn nuôi lợn ở huyện Ba Vì, Hà Tây.