Các nhà nghiên cứu về chim đã cùng nhau tìm kiếm loài chim gõ kiến mỏ ngà voi, một loài chim bị cho rằng đã tuyệt chủng tại khu bảo tồn động vật hoang dã ở bang Arkansas, Mỹ. Trước đây, người ta cho rằng loài chim này đã tuyệt chủng nhưng vào năm 2004, có người nói rằng đã nhìn thấy chúng.
Vì vậy, các nhà khoa học đã nối lại cuộc tìm kiếm bằng một robot mới sáng chế. Robot này sử dụng 2 camera để lưu giữ liên tiếp những hình ảnh về bầu trời, nơi mà người ta cho rằng sẽ ghi lại được cuộc sống của loài chim này bằng những phần mềm tinh vi nhất.
Hệ thống này được cài đặt tại đây 3 tháng và nó chỉ ghi lại duy nhất một hình ảnh có liên quan cứ trong mỗi 10.000 hình ảnh mà nó thu thập.
Hệ thống robot thông minh chuyên quan sát bầu trời. (Ảnh: BBC) |
Tiến sĩ Ken Goldberg nói rằng sự xuất hiện của loài người có thể ảnh hưởng đến thói quen sinh hoạt của các loài vật, song robot thì có thể giúp chúng ta quan sát muôn loài.
Loài chim gõ kiến này thường được tìm thấy ở vùng Đông Nam nước Mỹ và Cuba, tuy nhiên chặt phá rừng bừa bãi đã làm hủy hoại môi trường của chúng. Chim gõ kiến được nhìn thấy lần cuối là vào năm 1944. Kể từ đó, hàng thập kỷ tìm kiếm trôi qua nhưng vẫn không thấy được dấu vết của chúng và những hy vọng có thể tìm thấy chúng cũng tiêu tan dần.
Khả năng đã trông thấy loài chim này ở khu bảo tồn vào năm 2004 đã làm cho các nhà nghiên cứu chim hăng hái trở lại và rất nhiều nhà nghiên cứu với các hệ thống tìm kiếm hiện đại đổ tới khu bảo tồn quốc gia về động vật hoang dã ở Arkansas hàng năm.
Nhưng nghiên cứu sinh vật học không hề đơn giản, vì bạn phải đi tới những nơi hẻo lánh, hoang vắng, thậm chí lạnh lẽo, nó có thể là vùng nguy hiểm, và tất nhiên sự xuất hiện của con người sẽ làm khuấy động đến loài chim, vì thế ý tưởng về robot đã ra đời…
Mọi thứ sẵn sàng, chờ chim gõ kiến
Thiết bị được lắp đặt tại chính khu bảo tồn, 2 camera với độ phân giải cao kết nối với một ổ cứng và tất cả đều chịu được gió tuyết. Một camera kỹ thuật số hướng lên phía bầu trời, liên tục thu giữ các hình ảnh với độ phân giải 2 megapixel.
Tiến sĩ Goldberg cho biết họ cài đặt robot theo kiểu thống kê các hình ảnh trên bầu trời và tìm kiếm các điểm ảnh khác lạ bên ngoài. Tiếp đó họ tìm kiếm những nhóm hình ảnh với kích cỡ nhất định phía bên ngoài và cuối cùng là những thứ di chuyển với một vận tốc nhất định.
Loài chim gõ kiến đang được tìm kiếm bằng robot. (Ảnh: BBC) |
Song hình ảnh của chim ưng, ngỗng, hay những con chim diệc được ghi lại chứng minh rằng chờ đợi theo thời gian chúng ta có thể sẽ ghi lại được hình ảnh của loài chim gõ kiến quý hiếm mà con người đang tìm kiếm.
Tuy nhiên, cũng có những hạn chế như là hệ thống này chỉ có thể khảo sát được một nơi cụ thể. Nó chỉ có thể quét được hình ảnh bầu trời mà thôi vì những thuật toán được lập trình trong hệ thống không thể quét sâu vào trong rừng và lọc ra được hình ảnh di chuyển của loài chim từ những lắc lư nhẹ của cây cành.
Song tiến sĩ Goldberg tin tưởng rằng, cùng với những thiết bị nghiên cứu hiện đại khác thì chúng ta cuối cùng cũng sẽ ghi lại được hình ảnh con chim gõ kiến đen trắng mỏ ngà voi, chỉ là vấn đề thời gian.
Trong thời gian này ông tin rằng thiết bị do ông sáng chế này có thể dùng để tìm kiếm những loài động vật hoang dã khác hay lảng tránh con người như gấu, khỉ đột hoặc là dùng cho những ứng dụng an ninh như là màn hình kiểm tra hành lý tại sân bay.
GIA PHAN