Em bé đầu tiên trên thế giới được chữa khỏi ung thư não

Lần đầu tiên trên thế giới, đã có em bé chữa khỏi u não

Lucas được chẩn đoán mắc u thần kinh đệm thân não - căn bệnh rất khó chữa khỏi, nhưng kỳ diệu là khối u của em đã biến mất hoàn toàn sau khi điều trị bằng thuốc.

Khi Lucas (sống ở Bỉ) được chẩn đoán mắc một loại u não hiếm gặp vào năm 6 tuổi, mọi người đã nghĩ rằng em sẽ không thể sống vì tiên lượng bệnh rất xấu.

Bác sĩ Jacques Grill, người trực tiếp điều trị cho Lucas, xúc động khi nhớ lại năm đó, ông đã phải nói với bố mẹ Lucas rằng cậu bé sắp chết. Tuy nhiên, điều kỳ diệu là sau 7 năm, khi Lucas 13 tuổi, dấu vết của khối u trong não đã biến mất hoàn toàn.


Khối u trong não của Lucas được gọi là u thần kinh đệm cầu não lan tỏa. (Ảnh minh họa: Shutterstock).

Điều kỳ diệu

Theo các nhà nghiên cứu - những người điều trị cho Lucas, em là đứa trẻ đầu tiên trên thế giới được chữa khỏi bệnh u thần kinh đệm thân não - một loại bệnh ung thư rất nguy hiểm. Bác sĩ Grill nói rằng Lucas đã đánh bại mọi khó khăn để sống sót.

Theo AFP, khối u trong não Lucas có tên đầy đủ là u thần kinh đệm cầu não lan tỏa (DIPG). Hàng năm, Mỹ có khoảng 300 trẻ em và Pháp có khoảng 100 trẻ được chẩn đoán mắc khối u này.

Nhờ những triển vọng của ngành y, khoảng 85% trẻ em có thể sống sót sau khi được chẩn đoán mắc ung thư. Tuy nhiên, cơ hội sống sót của những đứa trẻ mắc DIPG vẫn rất ít và hầu hết đều không thể sống thêm một năm sau khi được chẩn đoán.

Xạ trị đôi khi có thể làm chậm tốc độ di căn của khối u, nhưng hiện tại, không loại thuốc nào đủ mạnh để chữa bệnh dứt điểm. Lucas là một trường hợp hiếm hoi được thử nghiệm thuốc và may mắn khỏi bệnh.

Khi được chẩn đoán mắc DIPG, Lucas được gia đình đưa đến Pháp để tham gia thử nghiệm BIOMEDE. Đây là chương trình thử nghiệm các liệu pháp điều trị, trong đó có thử thuốc, dành cho trẻ em và thanh, thiếu niên bị u não.


Bác sĩ Jacques Grill là người tham gia điều trị cho Lucas. (Ảnh: France 3TV).

Ngay từ đầu, Lucas đã có phản ứng rất mạnh với thuốc trị ung thư tên là everolimus. Sau khi liên tục được dùng thuốc, kết quả chụp MRI cho thấy khối u đã biến mất hoàn toàn.

Ngoài Lucas, 7 đứa trẻ khác mắc DIPG cũng được cho dùng thuốc điều trị và các em sống được thêm nhiều năm nữa, nhưng chỉ có khối u của Lucas biến mất.

Lý do là Lucas phản ứng với thuốc, trong khi những đứa trẻ khác thì không. Các bác sĩ đoán rằng có thể điều này cũng phụ thuộc vào "đặc điểm sinh học" của từng khối u.

"Khối u của Lucas có một đột biến rất hiếm gặp, chúng tôi tin rằng đột biến này khiến tế bào nhạy cảm hơn nhiều khi gặp thuốc", bác sĩ Jacques Grill nhận định.

Bác sĩ Jacques Grill nói thêm rằng ông chưa từng thấy trường hợp nào giống Lucas. Nhưng dù khối u biến mất, ông vẫn không dám dừng phác đồ điều trị.

Lucas lành bệnh nhờ thuốc điều trị ung thư nhưng các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm được lời giải cho câu hỏi vì sao cậu bé có thể bình phục hoàn toàn như vậy. Giới khoa học cũng đang nghiên cứu kỹ trường hợp này với hy vọng tìm ra pháp đồ điều trị tương tự cho những bệnh nhân khác.

Kỳ vọng tìm ra lời giải cho căn bệnh nan y

Sau khi Lucas hoàn toàn khỏi bệnh, các nhà nghiên cứu tiếp tục nghiên cứu về những bất thường trong các khối u của bệnh nhân mắc DIPG. Đồng thời, họ cũng tìm cách tạo ra các khối u "organoid", nghĩa là những khối tế bào được tạo ra trong phòng thí nghiệm.

Nhà nghiên cứu Marie-Anne Debily, người tham gia vào việc tạo ra organoid, nói với AFP: "Trường hợp của Lucas thực sự mang lại hy vọng cho giới nghiên cứu".

Hiện tại, bà Debily cùng các cộng sự sẽ cố gắng tái tạo trong ống nghiệm những đột biến mà họ tìm thấy trong tế bào ung thư của Lucas. Mục đích của nhóm nghiên cứu là tái tạo những đột biến này để xem liệu khối u có thể được triệt tiêu hiệu quả giống như trường hợp của Lucas hay không.

Nếu hoạt động tái tạo có hiệu quả, bước tiếp theo của nhóm nghiên cứu là tìm ra loại thuốc có tác dụng với các tế bào trong khối u.

Tuy nhiên, hành trình tìm ra thuốc trị DIPG vẫn còn rất dài. Nhóm nghiên cứu dự đoán họ sẽ mất trung bình 10-15 năm mới tìm ra phương pháp điều trị khả thi.

Cập nhật: 16/02/2024 Znews
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video