Theo báo cáo mới nhất của TRAFFIC (mạng lưới theo dõi buôn bán động thực vật hoang dã). Liên minh Châu Âu (EU) đứng đầu trong danh sách những nhà nhập khẩu chính các sản phẩm làm từ động thực vật hoang dã DDTVHD), bao gồm gỗ nhiệt đới, trứng cá muối, da loài bò sát và các loài bò sát sống...
Vị trí nhà nhập khẩu sản phẩm ĐTVHD hàng đầu thế giới được TRAFFIC ’’trao’’ cho EU trong bản báo cáo “Cơ hội hay mối đe doạ: Vai trò của Liên minh Châu Âu trong việc buôn bán động thực vật hoang dã toàn cầu”. Đây là bản báo cáo đầu tiên của TRAFFIC phân tích về số lượng và phạm vi các sản phẩm làm từ ĐTVHD được nhập khẩu vào EU.
Các sản phẩm ĐTVHD nhập khẩu vào EU bao gồm trứng cá muối từ Caspian, túi xách và giầy da rắn, các loài bò sát quý hiếm làm vật nuôi, cũng như gậy đánh bi-a làm bằng cây gỗ cứng ở các vùng rừng nhiệt đới Đông Nam Á.
Theo ước tính của TRAFFIC, từ năm 2000-2005 EU nhập khẩu 3,4 triệu con thằn lằn; 2,9 triệu con cá sấu và 3,4 triệu da rắn - tất cả những loài này đều được liệt trong danh sách bảo vệ của công ước CITES (thoả thuận quốc tế quy định về buôn bán ĐTVHD toàn cầu), cùng với 300.000 con rắn làm vật nuôi.
Cùng thời điểm, EU cũng nhập khẩu 424 tấn trứng cá muối- bằng hơn một nửa số lượng nhập khẩu của thế giới. Chỉ tính năm 2004, EU nhập khẩu hơn 10 triệu m3 gỗ nhiệt đới từ Châu Phi, Nam Mỹ và Châu Á, trị giá khoảng 1,2 tỷ Euro. Buôn bán hợp pháp các sản phẩm ĐTVHD năm 2005 của EU cũng đạt khoảng 93 tỷ Euro.
Kỳ nhông - loài vật nuôi được ưa chuộng tại châu Âu (Ảnh: WWF)
Ông Rob Parry-Jones, Giám đốc của TRAFFIC Châu Âu cho biết, vì thành viên của EU ngày càng tăng nên quy mô của thị trường và nhu cầu cho những sản phẩm ĐTVHD này cũng tăng.
Nhưng vị Giám đốc của TRAFFIC Châu Âu cũng nhận định, trong khi nhiều hoạt động buôn bán ĐTVHD là hợp pháp, không thể bỏ qua sự gia tăng các hình thức buôn bán trái phép bắt nguồn từ những nhu cầu về vật nuôi, gỗ và các sản phẩm ĐTVHD ngoại nhập khác. Đây chính là một mối đe doạ nghiêm trọng tới sự sống của nhiều loài như bò sát và cá tầm.
Giữa năm 2003 và 2004, các nhà thực thị pháp luật của EU đã bắt giữ hơn 7.000 lô hàng không có giấy phép, thu được hơn 3,5 triệu các mẫu nằm trong danh sách CITES.
Tiến sĩ Susan Lieberman, Giám đốc Chương trình Loài toàn cầu của WWF (Quỹ Thiên nhiên thế giới) cho rằng, nhu cầu về các sản phẩm làm từ ĐTVHD ở EU đang có sự tác động lớn đến các loài ĐTVHD và con người ở trên khắp mọi nơi trên thế giới.
Theo đó, EU đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo đảm những nhu cầu quá mức không dẫn đến việc khai thác quá mức các loài ĐTVHD bên ngoài biên giới EU và EU cũng phải có trách nhiệm giúp đỡ các nước quản lý nguồn tài nguyên của họ.
Tháng 12/2006, Bộ trưởng Môi trường của EU đã chính thức thừa nhận EU cần phải hỗ trợ các nước đang phát triển trong việc bảo tồn và sử dụng bền vững ĐTVHD và đồng thời thực hiện một cách hiệu quả Công ước CITES. Được biết sắp tới, hơn 170 quan chức chính phủ sẽ gặp mặt tại Hà Lan (từ 3-15/6) trong Hội thảo về công ước CITES nhóm họp 3 năm một lần- đây là lần đầu tiên được tổ chức tại EU.
Tại cuộc họp năm nay, chính phủ các nước sẽ thảo luận về những thay đổi trong danh sách các loài được bảo vệ dưới công ước, cũng như các vấn đề về thực hiện thoả thuận và quyền hạn trong việc buôn bán ĐTVHD.
Kiều Minh