Nghị viện châu Âu mới đây đã phê chuẩn dự án đầu tư 54 tỉ euro đẩy mạnh nghiên cứu khoa học ở châu Âu. Dự kiến triển khai từ nay đến năm 2013, chương trình khung 7 (FP7) sẽ tập trung vào những lĩnh vực nghiên cứu trọng điểm, trong đó, công nghệ thông tin - truyền thông được hỗ trợ nhiều nhất với 9,1 tỉ euro, kế đến y tế, vận tải, công nghệ nano, năng lượng, môi trường.
(Ảnh: grahamwatsonmep) |
Bên cạnh đó, chiến lược này còn nhằm mục tiêu đến năm 2010 nâng mức đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) của châu Âu lên 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Potocnik cho rằng tăng cường đầu tư cho R&D có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển của châu Âu vốn đang tụt lại phía sau so với các đối thủ lớn như Mỹ, Nhật Bản lẫn những nền kinh tế mới nổi ở châu Á.
Hiện tại, gần như không một quốc gia nào ở châu Âu dành đến 3% GDP cho nghiên cứu và phát triển, kể cả những đầu tàu như Đức cũng chỉ 2,49%, Pháp (2,16%), Anh (1,88%). Trong khi đó, những đối thủ như Nhật Bản chi hơn 3% GDP cho R&D. Mỹ và Hàn Quốc cũng xấp xỉ mức này.
Theo phát ngôn viên về khoa học và nghiên cứu Antonia Mochan của Ủy ban châu Âu, công nghệ thông tin - truyền thông sẽ là lĩnh vực có nhiều triển vọng thu hút đầu tư và mang lại lợi nhuận cao. Một bước đột phá trong lĩnh vực này có thể tác động toàn diện đến tất cả những lĩnh vực còn lại. Chẳng hạn, thu nhỏ chip máy tính hoặc làm nó dễ uốn như giấy có thể ứng dụng trong toàn bộ các ngành công nghiệp khác nhau. Song song đó, các nhà khoa học cảnh báo châu Âu đang và sẽ đối mặt với tình trạng chảy máu chất xám nếu không thực hiện tốt cam kết thúc đẩy nền kinh tế tri thức, và sẽ không còn là nơi hấp dẫn để thực hiện các nghiên cứu khoa học.
Khoa học châu Á có thể “qua mặt” Anh Quốc ? Trong vòng 10 năm nữa, Anh Quốc có nguy cơ tụt lại sau châu Á về lĩnh vực nghiên cứu khoa học - báo cáo của tổ chức tư vấn Demos ở Anh tuần qua cảnh báo. Theo Demos, Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc đang là những “điểm nóng sáng chế” và đang chuyển hướng thống lĩnh địa hạt nghiên cứu từ Tây sang Đông. James Wilsdon, một trong những tác giả báo cáo, chỉ ra rằng những yếu tố như thị trường phát triển nhanh, ngân sách rót vào nghiên cứu không ngừng tăng và chính sách thu hút các nhà khoa học từ Mỹ về nước đã thúc đẩy tốc độ sáng chế khoa học đang diễn ra nhanh chóng ở châu Á. Hàn Quốc gần đây đã tăng gấp đôi ngân sách cho nghiên cứu đồng thời mở rộng đội ngũ nghiên cứu khoa học. Trung Quốc cũng đẩy mạnh đầu tư cho khoa học trong khi Ấn Độ mỗi năm cho “ra lò” 2,5 triệu sinh viên các ngành công nghệ, khoa học và công nghệ thông tin. V.Q (Theo Reuters) |
THÁI AN