Gan heo - tia hy vọng cho bệnh nhân ghép tạng

Trong thí nghiệm mới đây, lần đầu tiên gan heo đã lọc máu cho một bệnh nhân chết não trong ba ngày. Điều này có thể mở ra chân trời hy vọng mới cho những người chờ ghép tạng.

Các bác sĩ tại Đại học Pennsylvania (Mỹ) mới đây công bố kết quả đáng kinh ngạc rằng họ đã sử dụng gan heo để lọc máu của một người hiến xác vừa qua đời.

Ý tưởng này được kỳ vọng có thể phát triển thành "cầu nối cấy ghép" cho những bệnh nhân nguy kịch, tức một kiểu ghép tạng tạm thời để giúp họ tiếp tục sống cho đến khi nhận được gan hiến từ người.


Hiện nay không có đủ nội tạng để ghép cho bệnh nhân và nghiên cứu mới của Đại học Pennsylvania đang mở ra nhiều hy vọng - (Ảnh: Globalnews.ca).

"Tưới máu"

Trong thí nghiệm diễn ra tháng 12-2023, các nhà nghiên cứu đã duy trì hệ thống tuần hoàn và hô hấp của người hiến xác bằng phương pháp nhân tạo sau khi xác nhận người này đã chết não. Nội tạng của người này không phù hợp để hiến tặng cho các bệnh nhân trong danh sách chờ ghép tạng và người thân đồng ý cho phép sử dụng cơ thể của người này cho thí nghiệm, theo trang Penn Medicine News.

"Tưới máu" là từ chuyên môn của quá trình lưu thông máu qua một cơ quan. Gan của chính người hiến xác được giữ nguyên trong suốt quá trình - điều này không giống như cấy ghép dị chủng, tức cấy ghép nội tạng động vật sang người.

Thay vào đó, gan heo đã được biến đổi gene để giảm thiểu nguy cơ đào thải được nối vào hệ thống tuần hoàn của người hiến tặng từ bên ngoài cơ thể.

Trong quá trình máu của người hiến được lưu thông qua gan heo, các nhà nghiên cứu không thấy có tình trạng viêm nào ở gan và không có vấn đề gì với cơ thể của người hiến. Trong thời gian đó, gan heo sản xuất mật và duy trì độ axit trong máu bình thường ở người hiến.

"Tất cả chúng tôi đều ngạc nhiên vì gan vẫn trông khá tốt sau ba ngày" - bác sĩ Abraham Shakes thuộc Viện cấy ghép Đại học Pennsylvania, người giám sát nghiên cứu, cho biết. Họ quyết định ngừng thí nghiệm sau ba ngày.

Kết quả này chỉ là giai đoạn đầu tiên của một nghiên cứu lớn hơn mà nhóm nghiên cứu đang thực hiện, với thêm ba người hiến đã qua đời sẽ tham gia. Trong giai đoạn tiếp theo, họ sẽ thử nghiệm cắt bỏ gan của người hiến để xác định rõ liệu phương pháp này có thể là "cầu nối" cấy ghép mà họ đang hy vọng hay không.

Cầu nối


Gan heo có thể là giải pháp “cầu nối” cấy ghép cho bệnh nhân gan - (Ảnh: Wired).

Ghép tạng là một trong những đột phá lớn nhất của y học thế kỷ 20. Nhưng thực tế là hiện nay không có đủ nội tạng để ghép và gan cũng không ngoại lệ.

Gan là cơ quan lớn nhất trong cơ thể, thực hiện nhiều chức năng quan trọng như tạo mật cho quá trình tiêu hóa, lọc và điều chỉnh quá trình đông máu, kiểm soát lượng đường huyết cũng như giúp chống nhiễm trùng.

Hiện nay chưa có cách nào thay thế chức năng của gan bằng máy móc như lọc thận, nên bệnh nhân suy gan thực sự không còn lựa chọn nào khác ngoài ghép gan.

Thí nghiệm này có thể là một bước tiến tới việc sử dụng nội tạng heo để giúp đỡ những bệnh nhân bị bệnh gan nặng trong thời gian chờ đợi ghép gan có thể kéo dài tới năm năm. Nếu phương pháp này tỏ ra an toàn và khả thi, nó có thể giúp giữ cho những bệnh nhân nặng nhất sống sót trong một khoảng thời gian nguy hiểm, tối đa hóa cơ hội được cấy ghép cho họ.

Nó cũng có tiềm năng được sử dụng như một phương pháp điều trị tổn thương tạm thời ở gan, tương tự như quá trình trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO) cho tim và phổi. "Nếu có thể tăng cơ hội phục hồi, họ có thể tránh được việc cấy ghép", ông Shakes nói.

Đó là lý do giải pháp này có thể là "cầu nối" cấy ghép cho các bệnh nhân gan. Đối với giới chuyên gia, việc kết hợp giữa nội tạng heo và máy móc là một bước đột phá nhưng cũng cần phải nghiên cứu thêm.

Ông Parsia Vagefi, giáo sư phẫu thuật thuộc Đại học Texas, cho rằng vẫn còn phải xem liệu sự kết hợp giữa chỉnh sửa gene và thiết bị tưới máu có giúp hỗ trợ bệnh nhân sống hay không.

"Đây là sự thúc đẩy đổi mới để giúp giải quyết tình trạng thiếu nội tạng. Nhưng tôi nghĩ chúng ta phải nhận thức được thực tế là cần phải nghiên cứu thêm", tờ Wired dẫn lời ông Vagefi nói.

Tìm kiếm giải pháp từ heo

Ý tưởng ghép gan heo không phải là mới. Trong những năm 1960 và 1970, hơn 100 cuộc phẫu thuật thử nghiệm đối với bệnh nhân suy gan. Tuy nhiên, việc này đã dừng lại sau khi được phép ghép gan từ người hiến tặng đã chết.

Vào những năm 1990, các nhà nghiên cứu tại Đại học Duke đã thực hiện một loạt thí nghiệm tương tự trên những người bị suy gan nhưng không thành công, theo tờ Wired.

Vào năm 2022 và 2023, các bác sĩ phẫu thuật tại Đại học Maryland đã thực hiện hai cuộc phẫu thuật đầu tiên trên thế giới ghép tim heo biến đổi gene cho các bệnh nhân tim. Cả hai người nhận đều bị suy tim nhưng không đủ điều kiện để cấy ghép nội tạng người theo cách thông thường.

Bệnh nhân đầu tiên, ông David Bennett, sống được hai tháng trước khi qua đời vào tháng 3-2022. Bệnh nhân thứ hai, ông Lawrence Faucette, qua đời vào tháng 10-2023, tức sáu tuần sau khi được cấy ghép.

Ngoài ra, còn có một số thí nghiệm cấy tạm thận heo vào người hiến chết não để nghiên cứu. Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ cũng đã cho phép một số bệnh nhân chờ ghép tạng tham gia các nghiên cứu sử dụng tim hoặc thận heo.

Cập nhật: 26/01/2024 Tuổi Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video