Cấu trúc khác biệt bên trong bộ não vẹt khiến chúng có khả năng bắt chước âm thanh và lời nói của con người.
Tại sao vẹt biết nói?
"Phát hiện này mở ra một con đường lớn trong việc nghiên cứu vẹt, tìm hiểu cách thức vẹt xử lý thông tin cần thiết để bắt chước những âm thanh lạ và giọng nói con người", Mukta Chakraborty, tiến sĩ đại học Duke, Mỹ, cho biết.
Bộ não vẹt có cấu trúc khác biệt so với não của các loài chim khác. (Ảnh: Alamy)
Theo Telegraph, nghiên cứu mới kiểm tra não của 8 loài vẹt khách nhau ở Australia, New Zealand, Amazon, Nam Mỹ và châu Phi. Kết quả cho thấy, ngoài phần trung tâm "lõi" bên trong não giúp vẹt kiểm soát việc học phát âm, não vẹt còn có thêm phần "vỏ", hay "vòng bên ngoài" liên quan đến quá trình học nói.
Não của những con vẹt Kea ở New Zealand cổ xưa nhất có một cấu trúc "vỏ" sơ khai. Các tế bào thần kinh trong vỏ có thể hình thành ít nhất 29 triệu năm trước đây. Hầu hết vùng não học tập của vẹt nằm ở khu vực não điều khiển chuyển động, khiến một số loài vẹt có khả năng học nhảy theo nhạc.