Giải mã nguyên nhân cái chết của Beethoven

Kết quả nghiên cứu của một nhóm chuyên gia ở Trường y Harvard hé lộ ngộ độc chì không phải nguyên nhân hàng đầu cướp đi sinh mạng của nhà soạn nhạc Beethoven.

Cho tới nay, chưa ai biết chắc chắn nguyên nhân gây ra bệnh gan và bệnh thận dẫn tới cái chết của nhà soạn nhạc Ludwig van Beethoven (1770 - 1827). Tuy nhiên, nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Clinical Chemistry loại trừ một giả thuyết phổ biến, chỉ ra nhà soạn tiếp xúc với nồng độ chì cao nhưng không đủ cao để giết chết ông, Phys.org hôm 7/5 đưa tin.


Beethoven gặp nhiều vấn đề về sức khỏe trong suốt cuộc đời. (Ảnh: Internet).

Trong suốt cuộc đời, Beethoven trải qua hàng loạt vấn đề sức khỏe, bao gồm nhiều vấn đề về dạ dày - ruột và suy giảm thính lực, cùng với bệnh gan và bệnh thận. Nồng độ chì cao thường được liên hệ với tất cả chứng bệnh này và các đặc điểm khác của Beethoven như tính tình thất thường, đãng trí và vụng về.

Vì vậy, khi các nhà nghiên cứu phân tích một lọn tóc được cho là thuộc về Beethoven vào năm 2000, họ nhận thấy chứa lượng chì cực cao, dẫn tới kết luận ngộ độc chì đã gây ra vấn đề sức khỏe và cái chết của nhà soạn nhạc. Tuy nhiên, nghiên cứu sâu hơn phát hiện lọn tóc thuộc về một người phụ nữ, không phải của Beethoven.

Năm 2023, một số lọn tóc của Beethoven được giám định là thực trong nghiên cứu giải trình tự hệ gene của nhà soạn nhạc. Một nhóm chuyên gia y khoa đứng đầu là Nader Rifai, tiến sĩ ở Trường y Harvard, tiến hành phân tích độc tố trên hai lọn tóc có tên gọi Bermann và Halm-Thayer. Nhóm của Rifai phân tích dấu vết của chì bằng hai phiên bản khác nhau của kỹ thuật kiểm tra có độ chính xác cao gọi là khối phổ.

Họ phát hiện lọn tóc Bermann và Halm-Thayer có nồng độ chì lần lượt cao gấp 64 lần và 95 lần so với mức thông thường. Từ kết quả này, nhóm nghiên cứu ước tính nồng độ chì trong máu của Beethoven trong khoảng 69 - 71 µg/dL. Đây là mức cao hơn vài lần so với nồng độ chì thông thường trong máu ở người trưởng thành, nhưng không đủ cao để trở thành nguyên nhân duy nhất dẫn tới cái chết của ông.

"Dù kết quả nghiên cứu không chứng minh giả thuyết nhiễm độc chì gây ra cái chết của Beethoven, nó có thể góp phần vào tình trạng bệnh tật mà ông phải chịu đựng trong phần lớn cuộc đời", Rifai kết luận. "Chúng tôi cho rằng đây là một mắt xích quan trọng, cho phép các sử gia, bác sĩ và nhà khoa học hiểu rõ hơn tiền sử bệnh của nhà soạn nhạc vĩ đại".

Cập nhật: 09/05/2024 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video