Thói quen kỳ quặc của những người nổi tiếng

  •   4,52
  • 15.300

Những bậc thiên tài trên thế giới không chỉ là những người sở hữu chỉ số thông minh (IQ) cao mà họ còn có những hành vi, thói quen kỳ quặc đến mức lập dị. Họ là những người làm việc không biết mệt mỏi nhằm khám phá ra những ý tưởng mới mẻ cũng như những phương pháp tư tưởng mới, và họ cũng sẵn sàng để đối mặt với những rủi ro miễn sao là có thể đạt đến một điều gì đó đáng giá. Hãy cùng khám phá những cá tính, thói quen kỳ quặc khó hiểu của các vị thiên tài trên thế giới để biết một khía cạnh khác về con người của họ.

Leonardo Da Vinci

Leonardo di ser Piero da Vinci (sinh ngày 15/4/1452 – tạ thế ngày 2/5/1519) là một nhà thông thái người Italia, ông rất uyên bác trong các lĩnh vực như hội hoạ, điêu khắc, kiến trúc, âm nhạc, nhà khoa học, toán học, kỹ sư, nhà phát minh, chuyên gia giải phẫu học, địa chất học, bản đồ học, thực vật học và văn học. Leonardo thường được mô tả như là nguyên mẫu của người đàn ông thời kỳ Phục hưng, một người đàn ông có tính tò mò, ham học hỏi, ham hiểu biết và khám phá, muốn bứt phá mọi lĩnh vực bên cạnh niềm đam mê phát minh của mình. Ông được công nhận rộng rãi như là một trong những nhà danh họa lỗi lạc nhất thế giới mọi thời đại, và có lẽ là người đàn ông tài hoa nhất thế giới từ trước tới nay.

Theo sử gia nghệ thuật Helen Gardner, chiều sâu nghiên cứu của da Vinci là sự không tưởng, đối diện với đôi mắt của ông đem đến cho người ta một cảm giác về một “siêu nhân, người đàn ông ẩn giấu trong lòng mình nhiều bí ẩn khó giải mã”. Tuy nhiên, theo nhân vật Marco Rosci thì tầm nhìn của Leonardo da Vinci phản ánh những suy nghĩ hợp lôgíc hơn là yếu tố bí ẩn, và các phương pháp thực nghiệm của ông xem ra không bình thường trong thời đại ông đã sống.

Cuộc sống đời tư của Leonardo da Vinci nói lên một con người thích ăn chay, cuộc đời chịu đựng nhiều rủi ro kết hợp giữa những người cầu toàn cũng như những người có tính hay chần chừ đến mức phát bực. Tuy nhiên, ông lại giành hết tinh hoa hội hoạ để sáng tác nên hai kiệt tác để đời là “Nàng Mona Lisa” và “Bữa ăn tối cuối cùng”. Leonardo Da Vinci thích ngủ từng khoảng ngắn trong ngày thay vì phải là ngủ đủ 8 tiếng vào ban đêm. Sự thực cho thấy rằng, ông là một trong những người đầu tiên bị mắc chứng bệnh rối loạn thiếu chú ý.

Nikola Tesla

Nikola Tesla, người Serbia (sinh ngày 10/7/1856 – mất ngày 7/1/1943) là một nhà phát minh, kỹ sư cơ khí và kỹ sư điện. Ông là một trong những người đóng góp có tầm quan trọng trong việc khai sinh ra ngành điện thương mại, và nổi tiếng bởi nhiều phát minh mang tính cách mạng trong lĩnh vực điện từ vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Các bằng sáng chế và lý thuyết thực nghiệm của Nikola Tesla dựa trên cơ sở của hệ thống dòng điện xoay chiều (AC), bao gồm hệ thống nhiều pha phân phối điện và động cơ điện xoay chiều AC. Tài năng của Nikola Tesla đã góp phần mở ra Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ hai.

Nhà phát minh kiêm kỹ sư này lại có những ác cảm hết sức kỳ lạ của ông đối với ngọc trai (bất kỳ phụ nữ nào có đeo bông tai mà nếu để cho Nikola nhìn thấy thì hẳn thế nào ông cũng cảm thấy lạnh xương sống và nhức đầu), thêm nữa, Nikola cũng “ghê sợ” những người phụ nữ thừa cân, dị ứng với quần áo và cả tóc người. Tình yêu của ông là những con số chia hết cho 3, sự kỳ quặc này thể hiện ở chỗ khi đi nghỉ ở khách sạn, Nikola không bao giờ ở căn phòng nào mà không phù hợp với tiêu chí định hình trong quan điểm của ông. Nikola thích sống độc thân và luôn tự nhận mình là một nhà phát minh hoàn hảo nhất, yêu thích bầu bạn với chim bồ câu — ông còn thực sự “yêu” một cô chim bồ câu (chú chim bồ câu mà ông nói rằng hay bay đến căn phòng khách sạn nơi ông thuê trọ mỗi ngày). Khi “cô” chim bồ câu qua đời, Nikola cảm thấy như tài năng của ông bị kiệt quệ đi theo “cô” chim bồ câu.

Thomas Edison

Thomas Alva Edison (sinh ngày 11/2/1847 – mất ngày 18/10/1931) là một nhà phát minh, nhà khoa học, thương gia người Mỹ, người đã phát minh ra nhiều thiết bị có tầm ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân loại trên khắp thế giới, bao gồm các máy đĩa hát, camera hình ảnh chuyển động, và bóng đèn điện có tuổi thọ lâu dài. Thomas Edison là một trong những nhà phát minh đầu tiên đã áp dụng các nguyên tắc của sản xuất hàng loạt và làm việc theo nhóm, có ảnh hưởng nhất định đến quy trình sáng chế, và do đó ông được ghi nhận là người đã sáng tạo ra phòng thí nghiệm nghiên cứu công nghiệp đầu tiên.

Thomas Edison được xem như là một trong những nhà phát minh có bằng sáng chế nhiều nhất trong lịch sử thế giới, ông có trong tay 1.093 bằng sáng chế ở Mỹ mang tên ông, cũng như nhiều bằng sáng chế ở Anh, Pháp và Đức. Chúng bao gồm mã cổ phiếu chứng khoán, máy ghi phiếu cơ khí, pin cho xe hơi điện, điện năng... Nhà máy điện đầu tiên của ông đã được xây dựng trên đảo Manhattan ở New York.

Thomas Edison tin rằng, những người ngủ quá nhiều thường rất chây ì và lười sáng tạo. Do đó, ông rất thích được mọi người nhìn mình và khen ngợi như là người làm việc mẫn cán. Edison cũng tránh việc ăn uống, hầu như ông ăn rất ít, lười tập thể dục và thậm chí không thích nói chuyện nhiều với gia đình… những điều mà ông cho rằng vô cùng uổng phí thời giờ.

George Sand

Amantine (cũng còn có tên gọi là “Amandine”) hay Aurore Dupin, (sinh ngày 1/7/1804 – mất ngày 8/6/1876), nổi tiếng bởi bút danh George Sand. Mặc dù George Sand được xem như là một trong những nữ tiểu thuyết gia nổi tiếng nhất nước Pháp, tên của bà lại thường không được công nhận như là một thiên tài nổi tiếng, tuy nhiên chỉ số IQ của bà đứng ở mức 143. George Sand còn là nữ văn sĩ nổi tiếng bởi những trò hề của bà trước ánh mắt của công chúng. Bà thích vận quần áo của nam giới, công khai hút thuốc lá, sống tách biệt với chồng và tham gia vào các công việc bất hợp pháp. Về cơ bản, George Sand đã cho mọi người biết rằng bà không quan tâm đến các quy tắc xã hội.

Ludwig van Beethoven

Ludwig van Beethoven (sinh ngày 17/12/1770 – 26/3/1827) là một nhà soạn nhạc kiêm nghệ sĩ dương cầm danh tiếng người Đức. Ông được xem là cá nhân quan trọng nhất trong giai đoạn chuyển tiếp giữa thời kỳ Cổ điển và Lãng mạn trong nền âm nhạc cổ điển phương Tây, và được đánh giá là một trong những nhà soạn nhạc nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng nhất mọi thời đại.

Ông cũng có tính tình khá khó chịu và khó gần gũi với các nhân viên phục vụ trong nhà của mình. Ông luôn gây hấn với tất cả mọi người từ các vị lãnh chúa, họ hàng và bạn bè của mình. Trong suốt cuộc đời của mình, Beethoven hay bị nhà chức trách nhắc nhở và quản thúc do bởi tính ông hay nóng giận và sẵn sàng quăng đồ ăn vào mặt những người hầu phòng và phục vụ trong nhà, ông luôn cáo buộc họ tội ăn trộm đồ đạc của mình. Kỳ quặc hơn, Beethoven ít khi tắm giặt, quần áo mặc nhiều tuần chưa thèm thay, thức ăn để cho lên mốc meo, dòi bọ nhưng nếu ai có ý định dọn dẹp thì bị ông la mắng rất vô cớ. Đó là lý do khiến ông bị “ế” vợ, và chả có cô gái nào dám gần gũi với ông.

Theo Sức khỏe Đời sống
  • 4,52
  • 15.300