Một nhóm khoa học quốc tế công bố vừa giải mã được trọn vẹn nội dung của những ký tự khắc trên đá ở thư viện Ras Shamra (Syria).
Năm 1928, những người nông dân ở Ras Shamra tình cờ phát hiện ra những phiến đá bị phủ trong một lớp đất mỏng. Người ta đã chở chúng về lưu giữ ở một viện bảo tàng gần đó. Đến năm 1948, một nhóm khảo cổ Pháp tìm được ở khu vực này một phiến đá khắc chữ Uragit khá nguyên vẹn. Kết hợp với các hiện vật của những người nông dân trước đó, các nhà khoa học "đọc" ra rằng, đây chính là những "cuốn sách" bằng đá của một thư viện 3.300 tuổi. Năm 1974, hiệp hội nghiên cứu chữ Uragit đầu tiên họp ở Muenster (Đức), và đã công bố hầu hết kết quả "giải mã" những "cuốn sách" này. Tuy nhiên, vẫn còn một số cuốn chưa được đọc hết.
Nay, ông John Khanjian, Đại học Haigazian (Syria), thông báo đã "dịch" được trọn vẹn những câu châm ngôn "hóc búa" nhất. Chúng thể hiện một triết lý sống động - một thế giới quan bồng bột và vô thần của khu vực Trung Đông lúc bấy giờ.
Một bản dịch các ký tự Uragit.
Phần lớn các câu châm ngôn đúc kết kinh nghiệm đối nhân xử thế, hoặc những lời khuyên bảo, nhắn nhủ. Ví dụ, câu "Này con trai, đừng bao giờ đến một quán rượu!", khuyên thanh niên không nên bê tha. Hoặc "Đừng bao giờ để vợ biết anh có bao nhiêu tiền trong túi", khuyên đàn ông nên cảnh giác với vợ trong chuyện tiền nong. Hay như "Không gì khổ bằng có con trai muộn!", khuyên người ta nên lấy vợ và sinh con sớm.
Khác hẳn với những câu châm ngôn trong Kinh Thánh sau này, những điều được ghi trên các phiến đá ở Ras Shamra được xếp rất tản mạn. Có lẽ người ta đã nghĩ đến đâu viết đến đó. Tất cả những gì mà theo họ là quan trọng, nên truyền lại cho hậu thế, đều được ghi lại. Những câu châm ngôn như: "Đạo lý nằm ngoài ranh giới của các thánh thần, nó ở ngay trong thế giới loài người", hoặc "Đừng tìm đạo lý nơi trời xanh, hãy tìm ở nơi người dệt vải"... cho thấy người Syria cổ quan tâm tới cõi sống thực tại hơn là thiên đường.
Đến nay, các nhà khảo cổ đều cho rằng, Uragit là hệ chữ alphabet đầu tiên trên thế giới. Cách đây 3.300 năm, các nền văn minh lớn như Ai Cập, Maya (Trung Mỹ), Trung Quốc, Ấn Độ đều phát triển chữ tượng hình. Trong hoàn cảnh đó, hệ chữ Uragit được xem là "một kỳ tích", đặt nền tảng cho các hệ chữ alphabet ở Hy Lạp, La Mã và toàn châu Âu sau này.
Minh Hy (theo dpa)