Giải thưởng triệu đô cho sáng tạo khoa học

Dù giải thưởng cho sáng tạo khoa học lên đến cả triệu đô, nhưng vẫn lãi to...

Cách đây không lâu, trong một nhà kho đã được sửa chữa lại ở San Francisco, một nhóm người đang bí mật tụ họp. Trong số những người tham dự có các chuyên gia hàng đầu thế giới thuộc nhiều lĩnh vực, từ vật lý thiên văn, công nghệ nano, cho đến sức khỏe, năng lượng.

Ngoài ra, còn có các doanh nhân nổi tiếng như Larry Page, người đồng sáng lập Google; Ratan Tata, chủ tịch Tập đoàn Tata Ấn Độ. Tất cả đều là thành viên của tổ chức X Prize Foundation - một tổ chức từ thiện được thành lập nhằm mục đích tưởng thưởng cho các phát kiến bằng tiền mặt.

Mục đích của buổi họp là đề ra những giải thưởng bằng tiền mặt cho các phát kiến mới. Ngày 29/7/2010, một cuộc thi mới được công bố: giải thưởng 1,4 triệu đôla cho sáng kiến dọn sạch dầu tràn ngoài biển nhanh hơn.

Kích thích sáng tạo

Giải thưởng đầu tiên được tổ chức này trao là Ansari X Prize: 10 triệu đôla cho nhóm tư nhân đầu tiên chế được phi thuyền con thoi và bay lên cao cách mặt đất 100km, và bay hai lần trong vòng hai tuần. Năm 2004, giải thưởng này đã về tay Burt Rutan, một kỹ sư không gian nổi tiếng và Paul Allen, người đồng sáng lập Microsoft.

Ansari X Prize: 10 triệu đôla cho nhóm tư nhân đầu tiên chế được phi thuyền con thoi (Ảnh: X Prize)

Từ đó về sau, X Prize Foundation đã đặt ra một số giải thưởng khác, thí dụ giải Progressive Automotive X Prize trị giá 10 triệu đôla cho loại xe hơi sạch có mức tiêu thụ 100 dặm/ga-lông(100 km chưa hết 3 lít nhiên liệu). Peter Diamandis, một doanh nhân trong nhóm điều hành tổ chức này cho biết, ông tin chắc rằng khi được kích thích bởi các giải thưởng và sự nổi tiếng, các nhân tài sẽ tạo ra những phát kiến có thể thay đổi thế giới.

Các giải thưởng khổng lồ của X Prize Foundation đã truyền cảm hứng cho các tổ chức từ thiện khác, trong đó có Gates Foundation của Bill Gates, kể cả các chính phủ, tự đứng ra tổ chức các cuộc thi sáng kiến, hoặc thông qua InnoCentive, một công ty trung gian trên mạng. Kết quả là tổng mức tiền thưởng đã tăng vọt.

Tổng mức giải thưởng tiếp tục tăng vọt trên toàn thế giới (đơn vị: triệu đôla)

Thực ra, việc tặng thưởng cho các phát kiến không phải là điều mới mẻ. Năm 1714, chính phủ Anh tổ chức giải Longitudinal Prize để thưởng cho các nhà hải hành tìm ra được các xác định kinh độ chính xác nhất. Năm 1795, Napoleon đặt ra giải thưởng cho sáng kiến bảo quản thực phẩm tốt nhất cho quân đội của ông, nhờ vậy mà ngày nay chúng ta có thực phẩm đóng hộp.

Dần dà, các giải thưởng dành cho các sáng kiến thưa thớt dần, thay vào đó, người ta chỉ tập trung trao giải cho các phát kiến đã đưa vào ứng dụng, đôi khi sau một quãng thời gian rất dài. Vì vậy, sau khi nhận giải Nobel văn học năm 1948, T.S. Eliot than thở “nhận giải thưởng chẳng khác gì nhận tấm vé ra nghĩa trang”.

Mô hình phi thuyền con thoi bay cao cách mặt đất 100km, và bay hai lần trong vòng
hai tuần. Nhóm nghiên cứu đã được thưởng 10 triệu USD... (Ảnh: X Rprize)

Phải công nhận là các giải thưởng sáng tạo đã thúc đẩy các phát kiến. Liam Brunt, thuộc Đại học Kinh tế Na-Uy, đã tiến hành nghiên cứu về các phát kiến trong lãnh vực nông nghiệp của nước Anh vào thế kỷ thứ 19. Ông nhận thấy các giải thưởng đã góp phần làm gia tăng số lượng các bằng sáng chế.

Từ năm 1839 đến 1939, Hội Nông nghiệp Hoàng gia đã trao gần 2.000 giải thưởng, có giải trị giá cả triệu bảng Anh. Không chỉ những người đoạt giải mới được cấp hoặc gia hạn bằng sáng chế, mà ngay cả những người không đoạt giải cũng lấy được trên 13.000 bằng sáng chế cho các phát kiến của mình.

Các giải thường ngày nay cũng có tác dụng kích thích như thế. Thí dụ, giải Ansari X Prize đã thu hút được trên 100 triệu đôla tiền đầu tư vào ngành không gian của lĩnh vực tư nhân. Công nghệ của phi thuyền đoạt giải hiện đang được hãng Virgin Galactic sử dụng để phát triển dịch vụ du lịch không gian, đồng thời rất nhiều những người không đạt giải đã đứng ra thành lập công ty hoạt động trong lãnh vực không gian mới mẻ này.

Cho dù trao giải tỷ đô, vẫn lãi to!

Theo tiến sĩ Diamandis, một giải thưởng nếu được tổ chức tốt sẽ khuyến khích con người tạo ra những thay đổi. Karrim Lakhani, thuộc Harvard Business School, một trong những người thực hiện nghiên cứu về các giải pháp được giới thiệu trên trang web của InnoCentive, cho biết tác giả của các giải pháp thành công thường không phải là những người làm khoa học hoặc hoạt động trong lĩnh vực liên quan.

Sáng tạo là cả sự đam mê. (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, các giải thưởng cũng giúp người ta cộng tác làm việc với nhau. Netflix, một công ty chuyên cho thuê phim của Mỹ, treo giải thưởng 1 triệu đôla cho ai đưa ra những thuật toán tốt hơn các chuyên gia của họ trong việc dự báo mức khán giả xếp hạng phim trên mạng. Thật ngạc nhiên, số người tham gia cuộc thi lên đến 55.000 từ 186 quốc gia. Nhóm 7 người đoạt giải, tuy đã cùng làm việc trên mạng một thời gian dài, chỉ gặp mặt nhau lần đầu năm 2009 vào ngày nhận giải.

Những thành công nói trên đã kích thích các chính phủ đứng ra tổ chức giải thưởng. Anh, Canada, Ý, Nga, và Na-Uy đang hợp tác với Gates Foundation để tài trợ cho giải thưởng Advanced Market Commitment (AMC). Giải thưởng này dành trao cho những ai chế được các loại vắc-xin ngừa các loại bệnh ít được quan tâm đến trong các nước đang phát triển. AMC hiện treo giải 1,5 tỉ đôla cho các hãng dược phẩm cung cấp được loại vắc-xin rẻ để ngừa bệnh phế cầu khuẩn đang gây tử vong rất nhiều ở trẻ em. Dự định năm sau GlaxoSmithKline sẽ cung cấp loại vắc-xin này cho châu Phi.

Sáng tạo khoa học nếu đưa được vào thương mại hóa sẽ đem lại lợi nhuận to lớn. Trong ảnh: Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm (Ảnh: X Prize)

Alpheus Bingham, người đồng sáng lập InnoCentive, cho biết hiện ở Mỹ công ty này đang đại diện tổ chức giải cho các cơ quan chính phủ, kể cả cơ quan hàng không NASA hoặc thành phố Chicago. Thậm chí quốc hội Mỹ cũng đang thảo luận một đạo luật cho phép tất cả các cơ quan liên bang được phép đứng ra tổ chức các giải thưởng sáng tạo.

Kết quả thật mỹ mãn cho NASA: Theo Robert Braun, trưởng nhóm công nghệ của NASA, giải thưởng cho tàu đáp mặt trăng vẫn còn rẻ hơn so với tiền đặt hàng. Mới đây, NASA treo giải thiết kế găng tay mới cho phi hành gia: đoạt giải không phải là một hãng hàng không nào cả mà chính là một kỹ sư thất nghiệp phải đi thành lập công ty mới cho mình.

Tuy nhiên, các giải thưởng sáng tạo vẫn gặp một số hạn chế. Theo ông Tachi Yamada của Gates Foundation, dù AMC treo giải 1.5 tỉ đôla cho các loại vắc-xin mới, giải thưởng này chưa chắc đủ sức kích thich vì không thấm gì so với mức lợi thu được từ một loại thuốc mới có tính đột phá: khoảng 20 tỉ đôla. Vì vậy, theo ông, đôi khi “thành công trên thị trường mới là giải thưởng đích thực” cho sáng tạo.

Theo Báo Đất Việt
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video