Giảm 100 lần liều văcxin mà vẫn hiệu quả

Chỉ cần bổ sung một chất miễn dịch tự nhiên trong cơ thể, tác dụng của văcxin sẽ không thay đổi cho dù liều lượng giảm tới 100 lần. Đây là ý tưởng mới của các nhà khoa học Canada, có ý nghĩa quan trọng trong cuộc chiến chống cúm gà, SARS và bệnh lao phổi.

Chỉ cần một lượng nhỏ văcxin, hiệu quả kháng bệnh sẽ không thay đổi. (Ảnh: AFP/VNE)
Chất miễn dịch tự nhiên đó chính là phân tử có tên TAP, đóng vai trò như "pháo hiệu" giúp hệ miễn dịch xác định mục tiêu tấn công. Đại học British Columbia, Vancouver, nhận thấy khi bổ sung TAP vào văcxin thì hiệu quả của thuốc không thay đổi kể cả khi giảm liều 100 lần so với chuẩn.

Trưởng nhóm nghiên cứu Wilfred Jefferies đã thử nghiệm kỹ thuật mới trên chuột và quan sát thấy các phản ứng miễn dịch xuất hiện, giúp số chuột này an toàn trước bệnh dại, sởi và đậu mùa.

Phân tử TAP có nhiệm vụ đưa các chuỗi axit amin vào bên trong tế bào. Trong các tế bào ung thư, TAP bị vô hiệu hóa một cách bí ẩn và hậu quả là hệ miễn dịch không thể nhận diện mục tiêu tấn công.

"Mô hình TAP có thể áp dụng cho nhiều loại virus và hứa hẹn mang tới sự tiến bộ trong việc phát triển văcxin mới và cải thiện những loại hiện có", nhóm nghiên cứu khẳng định.

Sáng kiến của Jefferies được xem là đặc biệt quan trọng trong thời điểm hiện nay, khi mà cả thế giới đang nín thở trước một đại dịch cúm gà, nếu virus H5N1 đột biến thành chủng dễ lây từ người sang người. Ngoài ra, liều ít cũng giúp làm giảm độc tính của một số loại văcxin, đặc biệt là đậu mùa và bệnh than, đồng thời giúp những hệ miễn dịch yếu như ở bệnh nhân AIDS hấp thu tốt hơn. Nhóm nghiên cứu sắp cho ra đời mẻ văcxin mẫu để tiến đến cuộc thử nghiệm lâm sàng trong vòng 2 năm tới.

Jefferies lần đầu tiên nhận ra tiềm năng của TAP sau khi phát hiện phân tử này bị vô hiệu hóa trong tế bào ung thư (lý do vì sao cơ thể không chống lại được tế bào ung thư). Khi chủ động đính TAP vào tế bào bệnh, Jefferies nhận thấy hệ miễn dịch đột nhiên trở nên linh hoạt và tấn công trúng mục tiêu.

"TAP là phân tử quan trọng trong sự hình thành phản ứng miễn dịch. Sự có mặt của nó sẽ giúp cơ thể tấn công virus chính xác", Jefferies khẳng định. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu không biết chắc vì sao phân tử TAP lại bị "tắt" trong tế bào ung thư.

Mỹ Linh (theo AFP)

Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video