Giết người có thể lây lan như bệnh truyền nhiễm

Giết người là hành vi dễ truyền từ người này sang người khác và có thể lây lan giống như bệnh cúm, đó là kết quả rút ra từ một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học đến từ Đại học bang Michigan (Mỹ).

Kết hợp với các quan chức y tế địa phương, nhóm nghiên cứu đã sử dụng một số phương pháp theo dõi sự lây lan của bệnh dịch nói chung và áp dụng chúng vào những phân tích về số vụ giết người tại Newark, NJ, trong khoảng 26 năm từ 1982 đến 2008. Họ nhận thấy giống như các loại bệnh dịch thông thường, những người hàng xóm bao giờ cũng dễ bị ảnh hưởng hơn so với những người khác. Ngoài ra, trong khi cộng đồng người nhập cư giàu có thể chống lại sự lây lan của hành vi phạm tội này thì các khu vực nghèo lại dễ bị tổn thương.

“Ý tưởng là bạo lực sinh ra bạo lực”, April Zeoli, một nhà nghiên cứu tư pháp hình sự tại Đại học bang Michigan cho biết. Zeoli suy đoán việc sống trong một khu vực có tỷ lệ tội phạm giết người cao làm cho người ta lúc nào cũng cảm thấy sợ hãi, bất an và nhiều khả năng phải sử dụng đến bạo lực như một biện pháp phòng thủ. “Chẳng hạn, họ có xu hướng chuẩn bị vũ khí cho riêng mình và sẵn sàng sử dụng vũ lực khi thấy không an toàn”, Zeoli nói.


Cơ chế lây lan của hành vi giết người cũng giống
như một căn bệnh truyền nhiễm. (Ảnh: Shutterstock)

Nguồn gốc của tội phạm là một trong những câu hỏi được bàn luận nhiều nhất nhưng đồng thời khó nắm bắt nhất. Các nghiên cứu trước đây thường gắn tỷ lệ giết người với hàng chục yếu tố, từ việc sở hữu súng đến số lần phạm tội của từng phạm nhân. Tuy nhiên, cho đến gần đây, các nhà khoa học mới áp dụng nguyên lý của bệnh truyền nhiễm để hiểu chính xác cách thức lây lan tội phạm.

Trong nghiên cứu của mình, Zeoli và các đồng nghiệp đặc biệt chú ý đến khu vực Newark với số vụ giết người trong 26 năm cao gấp 3,5 đến 5 lần so với mức trung bình của toàn quốc gia. Vào lúc bắt đầu nghiên cứu, số trường hợp tội phạm giết người tăng vọt ở trung tâm Newark, nhưng một thời gian sau, số lượng này suy yếu dần và đến lượt các khu vực phía nam và phía tây của thành phố tăng lên. Đây cũng chính là mô hình của bệnh truyền nhiễm, xuất hiện trong khu vực nhất định và dần lan rộng sang vùng lân cận.

Điều thú vị là “dịch giết người” không lây lan sang phần phía bắc và phía đông của thành phố - khu vực với nhiều cộng đồng người cùng nền văn hóa đa dạng hơn so với các vùng khác trong toàn thành phố, nơi có xu hướng gắn kết hơn.

Hơn nữa, vùng dân cư nghèo rất dễ bị ảnh hưởng nếu có một làn sóng giết người. Nghèo đói làm tăng tính nhạy cảm do người dân không có việc làm hoặc việc làm bấp bênh, ít có cơ hội tiếp xúc với nền giáo dục tốt - những yếu tố góp phần đẩy lùi tội phạm. Về lâu dài, mức độ “lây nhiễm” hành vi giết người hoàn toàn có thể kiểm soát được nếu các biến số đó được giải quyết.

Những phát hiện trên cho thấy các nhà chức trách có thể tiến hành biện pháp “tiêm chủng” bằng cách giải quyết các nguy cơ tiềm ẩn của hành vi nguy hiểm đó, Zeoli nhận định.

Nghiên cứu này sẽ được trình bày chi tiết trong số ra sắp tới của tạp chí tư pháp Justice Quarterly.

Tham khảo: Livescience

Theo Báo Đất Việt
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video