Giờ mùa hè là gì, khác gì giờ mùa đông?

Giờ mùa Hè – hay còn được biết với tên DST (Daylight Saving Time) là một kiểu quy ước chỉnh thời gian theo khoảng thời gian thực tế mà trời sáng trong ngày. Với những nước áp dụng quy ước này, vào thời gian từ khoảng giữa mùa Xuân (cuối tháng 3) tới đầu mùa Đông (cuối tháng 10, đầu tháng 11), đồng hồ sẽ được chỉnh nhanh hơn 1 tiếng. Khoảng thời gian còn lại, đồng hồ sẽ được chỉnh về như cũ.

Tại sao lại phải chỉnh đồng hồ?

Khi nói về thời gian, mọi người thường hiểu theo hai khái niệm. Khái niệm thứ nhất là thời gian tính theo độ sáng của ngày. Với cách hiểu này, có thể chia ngày thành hai phần là "ban ngày", tức là thời gian trời sáng, và "ban đêm". Cách thứ hai để chỉ thời gian là chia ngày thành các khoảng thời gian bằng nhau, như hiện nay hầu hết mọi người đều hiểu một ngày ngày được chia thành 24 giờ.

Tuy nhiên, do bản chất vật lý (trục của Trái Đất lệch một góc 23,5 độ), giữa các mùa khác nhau thì khoảng thời gian có ánh sáng trong mỗi ngày cũng khác nhau. Vào mùa Hè, ban ngày sẽ dài hơn ban đêm, còn vào mùa Đông thì ngược lại. Hiện tượng này thể hiện rõ hơn ở những địa điểm gần hai cực của trái đất.


Vào mùa Hè, mặt trời mọc sớm hơn, và ban ngày dài hơn. (Ảnh: National Geographic)

Con người từ xa xưa đã nhận ra được hiện tượng này. Một số xã hội, ví dụ như người La Mã cổ đại, chia thời gian trong ngày bằng cách chia đều khoảng thời gian ban ngày, và các khoảng thời gian này có thể khác nhau theo mùa. Ví dụ, với loại đồng hồ nước của họ, vào thời điểm Đông chí (giữa mùa Đông) thì mỗi giờ ban ngày chỉ kéo dài tương đương 44 phút hiện nay, trong khi vào Hạ chí (giữa mùa Hè) thì mỗi giờ kéo dài tới 75 phút.


Theo quy ước giờ mùa Hè, đồng hồ sẽ được điều chỉnh sớm lên một giờ trong phần lớn thời gian của năm. (Ảnh: iStockPhoto)

Về sau này, cách phân chia một ngày thành 24 giờ bắt đầu phổ biến và được sử dụng rộng rãi. Đặc điểm của cách phân chia này là thời gian thực tế của mỗi giờ là không đổi giữa các thời điểm trong năm. Tuy nhiên, cách phân chia này sẽ khiến việc sử dụng ánh sáng ban ngày thiếu hiệu quả hơn.

Trong xã hội, thời gian làm việc hoặc học tập thường được quy định chặt chẽ, theo quy ước ngày gồm 24 giờ. Trong khi đó, hoạt động của cơ thể lại thường tuân theo sự điều khiển của ánh sáng: Thức dậy và khỏe khoắn khi trời sáng, và đi ngủ khi trời tối. Do đó, nếu như áp dụng thời gian làm việc của mùa Đông vào mùa hè, con người sẽ chỉ thức dậy khi mặt trời đã sáng được vài tiếng, làm giảm hiệu quả công việc.

Việc mọi người ngủ muộn hơn vào mùa Hè cũng sẽ khiến điện được dùng nhiều hơn để thắp sáng, gây nên sự lãng phí năng lượng. Điều này được quan tâm nhiều hơn từ nửa sau của thế kỷ trước, khi thiếu hụt năng lượng trở thành vấn đề của nhiều nước. Đó là lý do mà quy ước giờ mùa Hè được đề nghị, và còn được biết với tên chính thức là "Giờ tiết kiệm ánh sáng ban ngày" (DST).

Thời gian chỉnh đồng hồ là khi nào?

Quy ước giờ mùa hè thường được áp dụng từ khoảng thời gian cuối tháng 3 tới cuối tháng 10, tức là kéo dài hơn nửa năm. Tuy nhiên quy định thời gian áp dụng của mỗi nước là khác nhau, và không phải đất nước nào cũng áp dụng quy ước này.


Bản đồ các khu vực hiện đang áp dụng DST (màu xanh) và không (màu đỏ và cam). (Ảnh: Wikipedia)

Ở châu Á, chỉ có một số nước áp dụng DST như Iran, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ… Việt Nam và các nước lớn như Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc đều không áp dụng quy ước này. Các nước áp dụng DST thường bắt đầu tính từ ngày thứ Sáu cuối cùng của tháng Ba, đến ngày thứ Sáu hoặc Chủ nhật cuối cùng của tháng Mười.

Tại châu Âu, phần lớn các nước trừ Nga, Iceland và Belarus đều áp dụng quy ước giờ mùa Hè. Thời điểm áp dụng DST được tính từ 1 giờ sáng (giờ GMT) ngày Chủ nhật cuối cùng của tháng Ba, và kết thúc vào 1 giờ sáng ngày Chủ nhật cuối cùng của tháng Mười.

Ở châu Mỹ, ba nước ở Bắc và Trung Mỹ (Canada, Mỹ và Mexico) cùng một vài nước ở Nam Mỹ có áp dụng DST. Ở nước Mỹ, có một số bang không áp dụng quy ước này. Tại phần lớn các bang khác, đồng hồ được điều chỉnh vào 2 giờ sáng ngày Chủ nhật thứ hai của tháng Ba, và được chỉnh lại vào ngày Chủ nhật đầu tiên của tháng 11.

Việc chỉnh đồng hồ có ảnh hưởng gì?

Chỉ qua vài ví dụ ở trên, ta có thể thấy thời gian điều chỉnh đồng hồ theo DST trên thế giới là rất đa dạng và phức tạp. Việc áp dụng quy ước này cũng đem lại nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe con người, yêu cầu quá trình điều chỉnh và cũng có nhiều bàn cãi về việc áp dụng.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc điều chỉnh đồng hồ chạy sớm lên vào cuối tháng Ba gây các ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Cụ thể, việc điều chỉnh thời gian sẽ làm ảnh hưởng tới giấc ngủ, và có thể phải mất vài ngày để làm quen lại. Một nghiên cứu trong năm 2008 cũng cho thấy, vào tuần đầu tiên sau khi chỉnh giờ, số lượng ca bị đau tim sẽ tăng đột biến.


DST có thực sự tiết kiệm năng lượng? (Ảnh: ABC News)

Một mục đích khác của DST là tiết kiệm năng lượng cũng không thực sự thuyết phục. Mặc dù mọi người sẽ ngủ sớm hơn vào mùa Hè, họ vẫn đi làm hàng ngày, do vậy vẫn cần năng lượng để bật đèn trong thời gian làm việc. Ngoài ra, ngày dài hơn cũng khiến mọi người dành nhiều thời gian hơn ở bên ngoài, nên xăng hoặc điện để chạy xe sẽ còn tốn kém hơn.


Vào thời điểm áp dụng giờ mùa Hè, con người cần phải điều chỉnh các sinh hoạt phù hợp với giờ mới

Các máy tính và điện thoại hiện đại đều đã có tính năng tự điều chỉnh thời gian theo DST, tuy nhiên tính năng này không phải bao giờ cũng hoạt động. Bên cạnh lỗi vừa qua của hệ điều hành iOS 7, Apple cũng từng gặp vấn đề với DST vào năm 2010, khi lỗi trên iOS 4 khiến đồng hồ báo thức báo muộn một tiếng sau khi giờ được điều chỉnh. Việc thời gian thay đổi cũng khiến những công việc liên quan đến thời gian như giờ biểu diễn, giờ bay… bị thay đổi theo, đảo lộn và đem lại nhiều sự hiểu nhầm.

Tại Việt Nam, tuy không áp dụng giờ mùa Hè, bạn vẫn có thể nhận ra ảnh hưởng của nó nếu như theo dõi các sự kiện quốc tế, hoặc làm việc với người nước ngoài. Đặc biệt, nếu là một người hâm mộ bóng đá thì bạn sẽ dễ nhận thấy ảnh hưởng của DST.


Vào phần lớn thời gian của mùa giải, fan bóng đá sẽ phải thức muộn hơn để theo dõi các trận cầu hấp dẫn

Các trận đấu tại giải UEFA Champions League thường diễn ra vào cùng thời điểm, là 7 giờ 45 phút giờ GMT. Vào thời điểm bắt đầu mùa giải, do châu Âu có điều chỉnh thời gian còn Việt Nam thì không, các trận đầu này diễn ra vào lúc 1 giờ 45 phút sáng theo giờ Việt Nam.

Tuy nhiên, kể từ tháng 11 cho tới hết tháng Ba, tức là phần lớn thời gian của một mùa giải bóng đá, thời gian được chỉnh lại, và các trận đấu UEFA Champions League diễn ra vào lúc 2 giờ 45 phút sáng, và sẽ kết thúc khá muộn (gần 5 giờ sáng), gây ảnh hưởng tới lịch sinh hoạt và làm việc của người Việt Nam.

Cập nhật: 14/10/2024 Theo Vnreview
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video