Khi Omicron bắt đầu xuất hiện ở miền nam châu Phi vào tháng 11 năm ngoái, giới khoa học đã rất ngạc nhiên trước cấu tạo bộ gene của nó.
Những biến thể được phát hiện trước đây khác với phiên bản ở Vũ Hán ở hàng chục đột biến, còn Omicron có tới 53 đột biến, một sự nhảy vọt đáng kinh ngạc trong quá trình tiến hóa của virus.
Trong một nghiên cứu đăng tải tuần trước, một nhóm nhà khoa học quốc tế nhấn mạnh nhiều hơn vào sự bí ẩn xung quanh số đột biến này.
Nhóm nghiên cứu tìm ra rằng trong 53 đột biến đó có 13 đột biến hiếm thấy, thậm chí chưa từng xuất hiện, trong những virus corona khác. Điều này gợi ý rằng đáng lẽ những đột biến đó phải gây hại cho Omicron.
Omicron có những đột biến chưa từng thấy ở các virus corona trước đây. (Ảnh: ST).
Nhưng thay vào đó, khi phối hợp với nhau, những đột biến này có vẻ trở thành chìa khóa cho một số chức năng quan trọng nhất của Omicron.
Giờ đây, các nhà nghiên cứu đang cố gắng xác định xem bằng cách nào Omicron bất chấp các quy luật tiến hóa bình thường và dùng những đột biến đó để trở thành một trung gian truyền bệnh thành công đến vậy.
"Có một bí ẩn ở đây và ai đó phải tìm ra", TS Darren Martin, một chuyên gia về virus tại ĐH Cape Town, Nam Phi, nói. Ông là một trong những người tham gia nghiên cứu mới.
Phủ nhận logic
Đột biến là hiện tượng thường thấy trong sự tồn tại của virus corona. Mỗi lần virus nhân bản bên trong một tế bào, có khả năng tế bào sẽ tạo ra phiên bản lỗi của bộ gene.
Nhiều đột biến trong số đó sẽ khiến những virus mới bị lỗi và không thể cạnh tranh với các virus khác.
Nhưng đột biến cũng có thể cải thiện khả năng của virus, giúp virus bám chặt hơn vào tế bào hoặc tái tạo nhanh hơn. Các virus thừa hưởng đột biến có lợi có thể đánh bại những virus khác.
Trong hầu hết năm 2020, các nhà khoa học phát hiện ra rằng những dòng virus corona khác nhau trên thế giới đang dần dần có một số đột biến. Quá trình tiến hóa này diễn ra chậm và đều cho đến cuối năm đó.
Tháng 12/2020, các nhà khoa học Anh vui mừng khi phát hiện ra biến chủng virus mới ở Anh mang 23 đột biến không có ở chủng virus được cô lập ở Vũ Hán, Trung Quốc, cách đó 1 năm.
Biến chủng mới, được đặt tên là Alpha, nhanh chóng trở nên phổ biến khắp thế giới. Trong năm 2021, những biến chủng lây lan nhanh hơn xuất hiện, trong đó biến chủng Delta với 20 đột biến đặc biệt, lấn át Alpha và trở thành biến chủng thống trị trong mùa hè năm ngoái.
Sau đó, Omicron xuất hiện, với số lượng đột biến cao hơn gấp đôi các biến chủng trước.
Ngay sau khi Omicron xuất hiện, TS. Martin và các đồng nghiệp đã bắt tay vào xây dựng lại quá trình tiến hóa của virus bằng cách so sánh 53 đột biến của Omicron với những virus corona khác.
Omicron có một số đột biến giống Delta và các chủng khác, gợi ý rằng chúng từng xuất hiện nhiều lần và sự chọn lọc tự nhiên đã có lợi cho chúng.
Tuy nhiên, các nhà khoa học tìm thấy một mô hình khác khi họ nhìn vào protein gai trên bề mặt của Omicron và cho phép nó bám vào các tế bào.
Gai của Omicron có 30 đột biến. Các nhà nghiên cứu tìm ra rằng 13 đột biến trong số đó cực kỳ hiếm gặp ở những virus corona khác, ngay cả ở những virus họ hàng được tìm thấy ở dơi.
13 đột biến đó chưa từng thấy ở hàng triệu bộ gene virus corona mà các nhà khoa học đã sắp xếp được từ khi đại dịch bắt đầu xuất hiện.
Nếu một đột biến có lợi có virus, hoặc thậm chí trung hòa, các nhà khoa học cho rằng nó sẽ xuất hiện nhiều hơn ở những biến chủng khác.
Nhưng nếu đó là những đột biến hiếm gặp hoặc vắng mặt hoàn toàn, đó có thể là dấu hiệu cho thấy chúng có hại cho virus, ngăn virus sinh sôi.
TS Martin cho rằng những đột biến như vậy sẽ gây lỗi, khiến virus không thể tồn tại lâu và sẽ chết.
Tuy nhiên, Omicron đã phủ nhận logic đó.