Giới khoa học ngỡ ngàng vì chim cánh cụt biết "nhái" giọng

Một số loài chim cánh cụt có khả năng thay đổi giọng nói sao cho giống với bạn tình để dễ quyến rũ đối phương. Trước đây, khả năng này thường chỉ bắt gặp ở một số loài bậc cao, bao gồm cả con người.

Nhà nghiên cứu Luigi Baciadonna tại Đại học Turin (Ý) và các đồng nghiệp đã theo chân và ghi âm tiếng kêu của những con chim cánh cụt châu Phi (Spheniscus demersus), phân bổ trên 3 khu vực khác nhau. Suốt 3 năm, nhóm thống kê kỹ lưỡng những thanh âm của chim phát ra khi làm quen, giao tiếp với bạn tình.


Chim cánh cụt châu Phi - (Ảnh: FLICKR)

Luigi Baciadonna đã dành nhiều năm phân tích các tiếng kêu cụ thể mà cả chim cánh cụt đực và cái phát ra mỗi khi tiếp xúc với bạn tình. Ông đưa ra các chỉ số biểu trưng cho âm thanh phát ra như tần số và biên độ của từng con chim trong khảo sát. Sau đó, nhóm sẽ hệ thống hóa các chỉ số này thành những mô hình cụ thể giúp dễ so sánh.

Kết quả sau một khoảng thời gian "cưa cẩm", các chỉ số âm thanh ở cả 2 loài đực và cái trở nên giống nhau một cách kỳ lạ. Đến một thời điểm nhất định trong mùa sinh sản, tiếng kêu của cặp "tình nhân" sẽ gần như trùng khớp với nhau và rất khó phân biệt.

Bên "nhái" giọng là chim đực. Nhóm nghiên cứu cho rằng khả năng "nhái" chỉ được bắt gặp ở một số ít ỏi loài động vật bậc cao, trong đó có con người. Thay đổi giọng nói được các nhà khoa học đánh giá là một trong những thử thách rất khó với hầu hết loài vật.

Khả năng này đòi hỏi sự cảm nhận, năng lực học hỏi qua âm thanh và quan trọng hơn là kỹ thuật bắt chước của những bộ phận phát ra giọng nói. Trường hợp của chim cánh cụt Spheniscus demersus được xem là khá hiếm gặp.

Baciadonna giải thích chim cánh cụt đực phát triển được khả năng nhái giọng là nhờ thói quen sống theo bầy của những loài cánh cụt. Vào mùa sinh sản, chim sẽ tìm kiếm bạn tình trong một đàn đông, do vậy những con đực buộc lòng phải học cách biến giọng để "bắt sóng" với con cái.

"Hãy tưởng tượng bạn đang ở trong một quán rượu, đông đúc và ồn ào. Bạn phải làm thế nào để tìm ra cách giao tiếp nhanh và hiệu quả nhất với bạn của mình trong không gian hỗn độn ấy", Baciadonna nói.


Khả năng "nhái" giọng của Spheniscus demersus khiến giới khoa học bất ngờ - (Ảnh: FLICKR)

Bà Sara Torres Ortiz từ Viện nghiên cứu điểu học Max Planck ở Munich (Đức) nhận xét những gì nghiên cứu phát hiện rất thú vị, cho thấy sự phát triển năng lực thích ứng âm thanh một cách tuyệt vời của các động vật.

Đặc biệt, khoảng cách giữa chim cánh cụt với con người trên cây tiến hóa khiến nhiều nhà khoa học bất ngờ.

Nhiều chuyên gia cho rằng nếu tiếp tục phân tích với những động vật bậc thấp, họ có thể phát hiện thêm nhiều loài có năng lực học hỏi âm thanh hay khả năng "nhái giọng" đặc sắc khác.

Cập nhật: 15/07/2022 Tuổi Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video