Tạo ra một giống sắn lai mới từ các loài sắn khác nhau có thể là một phương pháp mới để cải thiện năng suất cây trồng này giúp ích cho khoảng 8 trăm triệu người trên thế giới, các nhà khoa học Brazil cho biết.
Nghiên cứu trên được đăng tải trên tờ HortScience. Theo đó, khi kết hợp giống sắn hoang dã Manihot Fortalezensis có khả năng chịu được hạn và kháng sâu đục thân tốt, nhưng củ không ăn được với giống sắn trồng M.esculenta UNB 201, một loại sắn có hàm lượng dinh dưỡng nhưng năng suất thấp, lại dễ bị ảnh hưởng bởi hạn hán và sâu bệnh, có thể tạo ra một giống sắn lai kết hợp được những ưu điểm của hai giống sắn này.
Giống sắn lai mới giúp tăng năng suất lên gấp 5 lần so với giống sắn thông thường. Nếu sắn M. esculenta UNB 201 chỉ cho ra 4-5 rễ củ với trọng lượng từ 2-3kg, thì khi lai với M.fortalezensis có thể đẻ được 7-8 rễ củ ăn được có tổng trọng lượng từ 10-12kg. Đồng thời kế thừa đặc điểm rễ cắm sâu xuống đất từ giống sắn hoang dại, sắn lai sẽ chịu hạn tốt hơn và phát triển mạnh hơn so với các giống sắn bố mẹ.
Sắn lai vừa chịu được hạn, kháng bệnh tốt lại cho năng suất cao gấp 5 lần. (Ảnh: minh họa)
Tuy nhiên, đến nay các nhà nghiên cứu mới tạo ra được 18 cây sắn lai. Đồng thời củ sắn tạo ra còn có mùi của loại axit Hydrogen cyanide (HCN) có thể gây độc nếu không biết xử lí củ sắn đúng cách.
Nhưng dù sao việc tạo ra giống sắn lai cũng gây ít rủi ro với sức khỏe con người và thân thiện với môi trường hơn so với giống cây biến đổi gene. Hơn nữa giống sắn này có thể trồng dễ dàng ở quy mô lớn và cung cấp nhiều nguồn lương thực cho nông dân.
Hiện các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu và phát triển hơn nữa giống sắn lai. Họ dự định sẽ mở rộng áp dụng phương pháp nhân giống này cho các cây trồng khác.
Tham khảo: Scidev