Câu thần chú mới "Tìm kiếm, Quảng cáo và ứng dụng" đã phản ánh một sự chuyển hướng chiến lược bên trong cơ thể Google: từ tìm kiếm và quảng cáo chuyển sang phát triển phần mềm Internet.
Phát biểu trước các nhà báo tại đại bản doanh của Google trước thềm đại hội cổ đông thường niên, Giám đốc điều hành Eric Schmidt cho biết bài diễn văn của ông trước giới đầu tư sẽ tập trung xoáy vào 3 mũi kinh doanh nói trên.
Google, nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm trực tuyến số một thế giới, đồng thời cũng là kẻ thống trị toàn cầu về quảng cáo trả-tiền-theo-lượt-click. Hai mảng này đóng góp gần như toàn bộ doanh thu cũng như lợi nhuận của Google trong suốt những năm qua.
Mãi tới năm ngoái, Google mới chính thức bước chân vào thị trường ứng dụng phần mềm bằng một sản phẩm có tên "Google Apps". Về bản chất, đây là một series gồm nhiều ứng dụng phần mềm trực tuyến và công cụ xuất bản Web được cung cấp miễn phí tới tay người dùng.
Về phần các doanh nghiệp, cơ quan chính phủ và trường đại học, Google đã phát triển một phiên bản Google Apps riêng, cao cấp hơn, nhiều tính năng hơn nhưng phải trả tiền. Đây có thể coi là một đòn khiêu chiến của Google đối với sự thống trị của bộ phần mềm văn phòng Microsoft Office.
Tất nhiên, đại bộ phận Google Apps hiện vẫn đang phát hành miễn phí nên doanh thu mà nó mang về cho Google tính tới nay hết sức khiêm tốn, nếu không muốn nói là chưa có gì.
"Ý tưởng chung là sự chuyển hướng này sẽ mở ra cả một cuộc sống mới trên mạng Internet, một lối sống mới", ông Schmidt bình phẩm về hướng đi chiến lược mới của Google. "Người dùng ngày càng dành nhiều thời gian cho Internet hơn, và Google có thể cung cấp những ứng dụng thật sự hữu ích cho họ". Lấy thí dụ như Google Calendar, một công cụ xếp lịch làm việc, hợp tác cho cả nhóm.
Không nề hà sáp nhập
"Chúng tôi hết sức cởi mở trước việc mua lại những doanh nghiệp lớn, bằng chứng là trong vài tháng gần đây Google đã có 2 vụ như vậy. Vài năm trước, tâm lý của ban lãnh đạo không được thoải mái thế đâu. Nhưng xin nói rõ là Google làm việc đó không vì lý do cạnh tranh. Chúng tôi làm vậy là để bịt lại những chỗ còn hổng trong danh mục đầu tư, danh mục kinh doanh của mình mà thôi".
"Tôi nghĩ rồi đây sẽ còn có những vụ sáp nhập cỡ lớn khác. Nhưng chúng tôi không có sức (cũng như thời gian) để làm việc đó mỗi ngày", Schmidt tuyên bố khi được hỏi về độ "máu" của Google đối với chuyện sáp nhập.
Tháng 11 năm ngoái, Google đã chi tới 1,65 tỷ USD để mua lại trang web chia sẻ video YouTube - đây được coi là bản hợp đồng có giá trị lớn nhất trong lịch sử tồn tại của hãng. Thế rồi cách đây 1 tháng, Google lại công bố tiếp bản hợp đồng lên tới 3,1 tỷ USD để thâu tóm DoubleClick, một hãng chuyên cung cấp dịch vụ và công nghệ quảng cáo trực tuyến.
Trong khi đó, mua lại những hãng công nghệ nhỏ lại là "đường tắt" để Google sở hữu các công nghệ mới và đội ngũ kỹ sư tài năng. "Trong quá khứ, chúng tôi mua doanh nghiệp chủ yếu là vì nguồn nhân lực của họ. Còn bây giờ, Google mua lại các hãng nhỏ, mới thành lập với tần suất vài ngày/lần hoặc 1 tuần/lần", Schmidt ước tính.
Điển hình cho cách "đi tắt" này của Google: Keyhole (Google Earth) và Urchin (Analytics) đều sở hữu một đội kỹ thuật rất mạnh, một xuất phát điểm sớm về công nghệ và họ đã được Google thâu tóm với cái giá cực rẻ.
Khi được hỏi về thái độ của Google trước cơn sóng sáp nhập đang tràn qua địa hạt truyền thông, Schmidt khẳng định Google chỉ muốn hợp tác với các hãng báo chí và nội dung hơn là muốn thâu tóm họ. "Sẽ tốt hơn nếu bắt tay với Dow Jones hay The Fiancial Times", Schmidt nói.
Trọng Cầm