Các nhà nghiên cứu Việt Nam cùng đồng nghiệp quốc tế vừa phát hiện hai loài gừng mới có hoa khá đẹp tại huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi.
Newmania serpens N. S. Lý & Skornick và N. orthostachys N. S. Lý & Skornick là tên của hai loài gừng do các nhà khoa học thuộc Viện Sinh học Nhiệt đới Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Na Uy, Vườn Thực vật Singapore, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Anh phát hiện dưới những tán rừng bán thường xanh của cây họ Dầu ở huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi.
Loài gừng Newmania serpens có hoa trườn ngang mặt đất. (Ảnh: Lý Ngọc Sâm)
Hai loài này thuộc giống gừng Newmania N. S. Lý & Skornick. Đặc điểm chung của chúng là thân giả khá yếu, hoa màu trắng tía, mọc từ thân rễ ngang mặt đất. Loài Newmania serpens có dạng thân bẹ yếu, độ cao cao tối đa có thể đến 100cm, thường mang 10-15 lá, phiến lá mỏng, hình elip hẹp, gân lá nổi rất rõ, phát hoa thưa, yếu, mọc bò trường trên mặt đất, cánh môi màu tím với vệt đỏ tươi và các sọc trắng ở đáy và giữa phiến.
Loài gừng Newmania orthostachys có hoa mọc thẳng. (Ảnh: Lý Ngọc Sâm)
Ngược lạị, loài Newmania orthostachys có thân bẹ khỏe hơn, chiều cao 60-80cm, mang 5-8 lá, phiến lá dày, hình trứng ngược elip, gân lá khó thấy, phát hoa bó chặt và mọc thẳng, cánh môi màu tím với các sọc trắng ở đáy và giữa môi.
Phát hiện của nhóm chuyên gia được đăng trên tạp chí chuyên ngành Taxon do Hiệp hội Phân loại Quốc tế xuất bản.
Gừng là một họ thảo mộc sống lâu năm, có thân rễ bò ngang hoặc củ, bao gồm 47 chi và khoảng trên 1.000 loài. Từ xa xưa con người đã dùng gừng để làm cây cảnh, gia vị và thảo dược. Nghệ, riềng, gừng, đậu khấu, sa nhân là các thành viên quan trọng nhất trong họ Gừng.