Phát hiện loài gừng mới ở Việt Nam

  •  
  • 4.820

Các nhà khoa học Việt Nam và Singapore vừa phát hiện và công bố một loài gừng mới, được tìm thấy ở Vườn Quốc gia Bến En (Thanh Hóa). TS Nguyễn Quốc Bình, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (Viện KH-CN Việt Nam) cho biết ngày 26/7.

Cụm hoa Distichochlamys benenica Q.B. Nguyen & Škorničk
Cụm hoa Distichochlamys benenica Q.B. Nguyen & Škorničk - (Ảnh Nguyễn Quốc Bình)

Loài gừng mới có tên khoa học D. benenica Q.B.Nguyen & Škorničk thuộc chi Gừng đen (Distichochlamys). Đây là loài gừng thứ 4 thuộc chi Gừng đen được phát hiện.

Chỉ một quần thể nhỏ của loài thực vật này được tìm thấy mọc rải rác dưới tán rừng ở độ cao khoảng hơn 100 mét so với mực nước biển tại VQG Bến En. Loài gừng mới được tìm thấy có đặc điểm nổi bật là cánh môi có một dải rộng màu hồng ở phía giữa gốc và các lá bắc xếp sít lại với nhau. Mẫu chuẩn của loài hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam.

Cho đến nay, chi Gừng đen được coi là chi đặc hữu của Việt Nam vì chưa phát hiện thấy ở bất cứ nước nào trên thế giới, kể cả các nước lân cận như Trung Quốc, Lào, Campuchia. 3 loài gừng được tìm thấy trước đó tại VQG Bạch Mã, An Khê (Gia Lai) và VQG Cúc Phương (Ninh Bình).

Phát hiện mới về loài gừng nói trên đã được công bố trên tạp chí chuyên ngành Gardens’ Bulletin Singapore số 64(1): 195-200 (2012).

Họ Gừng (Zingiberaceae) gồm những cây thân thảo có giá trị làm cảnh, dược liệu, làm gia vị,.... Họ Gừng ở Việt Nam khá đa dạng, cho đến nay đã biết được khoảng hơn 140 loài thuộc 20 chi, tương đương với đa dạng họ Gừng ở Thái Lan, cao hơn so với họ Gừng ở Lào và Campuchia.

Theo Đất Việt
  • 4.820