Sau 69 năm khảo sát, thiết kế và thi công, đường hầm Cơ sở Gotthard (GBT) xuyên dãy Alps cuối cùng cũng được hoàn thiện và được đưa vào sử dụng từ hôm nay.
Theo Mirror, dự án GBT chính thức được khởi công vào năm 2000 nhưng kỹ sư Carl Eduard Gruner đã lên ý tưởng xây dựng hầm đường sắt xuyên dãy Alps, Thụy Sĩ vào năm 1947.
Tổng vốn đầu tư cho dự án xây dựng GBT lên tới 12,3 tỷ USD với khoảng 2.400 công nhân làm việc liên tục trong vòng 17 năm. GBT được đưa vào sử dụng từ ngày 1/6/2016 để vận chuyển hàng hóa, các hoạt động thương mại khác qua GBT sẽ được triển khai từ tháng 12/2016.
Để thông được tuyến hầm đường sắt GBT, đội công nhân đã phải đào hơn 28 triệu tấn đất đá ở dưới chân núi Alps. Một số đoạn hầm nằm ở mức sâu kỷ lục, thấp hơn khoảng 2,25 km so với đỉnh núi.
Máy đào đường hầm khổng lồ được sử dụng trong dự án GBT.
Các công nhân ăn mừng khi hoàn thành việc khoan đoạn hầm cuối cùng hôm 15/10/2015.
Sau khi đưa vào sử dụng, hầm đường sắt GBT sẽ là huyết mạch giao thông – vận tải bắc – nam của khu vực châu Âu với tổng chiều dài hơn 57 km. Như vậy, GBT đã vượt qua đường hầm Seikan dài hơn 53,7 km của Nhật Bản để trở thành hệ thống hầm đường sắt dài nhất thế giới.
Các chuyên gia dự đoán, GBT sẽ là hành lang vận tải bận rộn nhất châu Âu. Dự tính sẽ có khoảng 260 chuyến tàu chở hàng hóa qua đây mỗi ngày, với tốc độ chạy tối đa là 100 km/h.
Ngoài vận tải hàng hóa, GBT cũng nhằm phục vụ hoạt động đi lại của người dân châu Âu. Mỗi ngày dự tính sẽ có 65 chuyến tàu chở khách chạy qua GBT với tốc độ lên tới 250 km/h. Tuyến đường hầm này sẽ giúp giảm thời gian di chuyển từ Zurich tới Milan xuống còn 1 giờ 40 phút, nhanh hơn 60 phút so với hiện tại.
Dự án GBT được cho là động lực sẽ thúc đẩy hoạt động du lịch tại châu Âu cũng như giá bất động sản tại các vùng xung quanh.