Phụ nữ thời Đồ Đồng ở châu Âu đi xa hàng trăm kilomet để lập gia đình, trong khi đàn ông thường chỉ ở nhà.
Các nhà khảo cổ Đức phát hiện phụ nữ châu Âu thời kỳ Đồ Đồng thường đi xa nhà và đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá văn hóa, trong khi đàn ông chỉ quanh quẩn ở quê hương, Telegraph hôm 4/9 đưa tin.
Nhóm khảo cổ nghiên cứu 84 hài cốt từ năm 2500 đến 1650 trước Công nguyên và phát hiện một điểm độc đáo về các gia đình thời kỳ này. Phần lớn đàn ông trong gia đình là người bản địa, còn phụ nữ đến từ những nơi cách xa 300–500km.
Các nhà nghiên cứu cho biết, mô hình "về nhà chồng" và việc phụ nữ rời xa quê hương hàng trăm km để lập gia đình không phải hiện tượng nhất thời mà được duy trì trong suốt khoảng 800 năm cuối thời Đồ Đá, đầu thời Đồ Đồng.
Hài cốt của một phụ nữ cổ đại xa quê hương hàng trăm kilomet để lấy chồng. (Ảnh: ANI).
"Chúng ta đều biết giai thoại những nam chiến binh đi chiến đấu và mang thức ăn về còn phụ nữ và trẻ em thì ở nhà, nhưng có vẻ chuyện đó không đúng lắm", giáo sư Philipp Stockhammer tại Đại học Ludwig-Maximilians, người dẫn đầu cuộc nghiên cứu, cho biết.
"Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra, hầu hết đàn ông không hề đi xa nhà, trong khi 2/3 phụ nữ thì có", Stockhammer bổ sung.
Qua phân tích đồng vị bền và ADN, giáo sư Stockhammer cho biết con người có ba loại răng hàm và chúng được hoàn thiện ở những độ tuổi khác nhau.
"Mỗi vùng đất có một đặc trưng riêng, chẳng hạn như đá phấn hoặc đất sét. Nước uống lấy từ những vùng đất khác nhau cũng khiến răng mang đặc trưng khác nhau. Nhờ đó, chúng tôi có được một số manh mối để xác định nơi họ từng sinh sống", giáo sư Stockhammer nói thêm.
Các nhà nghiên cứu cho rằng hoạt động di cư tìm chồng này đóng vai trò quan trọng trong việc giao lưu văn hóa, một quá trình phát triển mạnh thời Đồ Đồng, giúp xúc tiến sự phát triển công nghệ mới.
Nghiên cứu được thực hiện chủ yếu tại những khu dân cư cổ đại thuộc thung lũng Lech, phía nam Augsburg, Đức.
"Chúng tôi thấy những phụ nữ này rất đa dạng về chủng tộc. Điều đó xảy ra sau thời gian dài nhiều phụ nữ nơi khác chuyển đến thung lũng Lech", tiến sĩ Alissa Mittnik thuộc Viện Max Planck về Khoa học Lịch sử Nhân loại, cho biết.
Phụ nữ "nước ngoài" được chôn cất không khác gì người bản địa, bà nhận xét. Điều đó cho thấy những phụ nữ này đã hoàn toàn hòa nhập với cộng đồng bản địa.