Hóa thạch được phát hiện ở Thụy Sĩ gần đây cho thấy tổ tiên loài thực vật có hoa xuất hiện từ 240 triệu năm trước trong kỷ Trias sớm.
Peter Hochuli và Susanne Feist-Burkhardt của Viện Bảo tàng Cổ sinh học, Đại học Zurich, sử dụng hai lõi khoan phát hiện phấn hoa từ Weiach và Leuggern, phía bắc Thụy Sĩ. Hai nhà nghiên cứu sử dụng phương pháp quét laser bằng kính hiển vi đồng tiêu để thu hình ảnh 3 chiều độ phân giải cao của 6 chủng loại phấn hoa khác nhau.
Hóa thạch có hình dáng giống bông hoa ở kỷ Triat. (Ảnh: UZH)
Giới khoa học cho rằng thực vật có hoa xuất hiện đầu tiên trong kỷ Phấn trắng sớm, cách đây khoảng 140 triệu năm. Tuy nhiên, khám phá mới đây cho thấy thực vật có hoa đã có từ kỷ Trias sớm, khoảng từ 252 đến 247 triệu năm trước hoặc thậm chí sớm hơn.
“Rất nhiều nghiên cứu đã cố gắng ước tính tuổi thực vật có hoa từ dữ liệu phân tử, nhưng cho đến nay vẫn chưa đạt được sự đồng thuận. Tùy thuộc vào dữ liệu và phương pháp, các ước tính có thể nằm trong khoảng kỷ Triat đến kỷ Phấn trắng và cần phải được lưu lại trong bằng chứng hóa thạch. Tuy nhiên, hóa thạch cổ lại không có sẵn. Đó cũng là lý do tại sao phát hiện phấn hoa từ kỷ Triat rất quan trọng”, Sciencedaily dẫn lời giáo sư Peter Hochuli của trường đại học Zurich, Thụy Sỹ, nói.
Thực vật có hóa tiến hóa từ những loài thực vật đã tuyệt chủng có liên quan đến các loài cây lá kim, cây lá quạt, cây mè và dương xỉ. Nhiều hóa thạch lâu đời nhất được biết đến có nguồn gốc từ thực vật có hoa là những hạt phấn, tuy nhỏ nhưng số lượng nhiều, do đó dễ dàng tạo hóa thạch hơn lá và hoa.