Tồn tại dọc theo sông Ấn nằm về phía Tây Bắc của tiểu lục địa Ấn Độ trong khoảng thời gian từ năm 2.800-1.800 TCN, văn minh sông Ấn hay văn minh Harappa được coi là một trong những nền văn minh vĩ đại nhất của nhân loại thời cổ đại.
Cho đến nay có hơn 1.050 di chỉ của nền văn minh này đã được xác định, phần lớn dọc theo sông Ấn, gồm trên 140 thành phố và làng mạc. Vào thời hoàng kim, ước tính trên 5 triệu người đã sinh sống ở các khu dân cư này.
Đáng tiếc rằng nguồn tài liệu về văn minh sông Ấn không có nhiều. Chỉ khoảng 10% làng mạc nhà cửa được khai quật, chữ viết chưa được giải mã và việc nền văn minh này biến mất đột ngột từ khoảng 1.900 TCN cũng chưa được giải thích hoàn toàn.
Các nhà sử học có ý kiến khác nhau về nguyên nhân sự phân rã và biến mất của nền văn minh sông Ấn. Giả thuyết phổ biến là nền văn minh này đã sụp đổ bởi một thảm họa thiên nhiên.
Các nhà khoa học của Hiệp hội Địa vật lý Mỹ cho rằng, những trận động đất lớn có thể đã triệt hạ nền văn minh sông Ấn cùng một số nền văn minh lớn khác, như văn minh Maya ở Trung Mỹ.
Ngoài động đất, những thảm họa trên diện rộng khác như hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh đã càn quét và làm suy kiệt các khu dân cư của người Ấn Độ thời cổ đại.
Một giả thuyết đáng chú ý khác là văn minh sông Ấn đã tự tiêu vong khi tại nhiều khu định cư nhỏ dân số đã tăng trưởng vượt quá giới hạn tự nhiên, khiến xã hội bị sụp đổ vì không đủ tài nguyên để duy trì.
Cuối cùng là giả thuyết văn minh sông Ấn bị xóa sổ bởi một cuộc xâm lược từ bên ngoài, cụ thể là người Aryan, nền tảng của các dân tộc Ấn Độ ngày nay.
Có thể người Aryan đã xâm chiếm các thành phố ở thung lũng sông Ấn, khuất phục cộng đồng cư dân ở nơi đây và áp đặt nền văn hóa riêng cùng tôn giáo của họ.
Ngày nay, những dấu tích nổi bật của nền văn minh sống Ấn là hai trung tâm đô thị Harappa và Mohenjo-Daro. Các di tích này đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, là điểm đến thu hút đông đảo du khách quốc tế ở đất nước Pakistan.