Bí ẩn vệt sáng trong ảnh núi lửa tại Indonesia

  •  
  • 1.341

Mưa sao băng và sự may mắn giúp nhiếp ảnh gia tại Indonesia chụp được hình ảnh vệt sáng xanh, dù ban đầu anh thiết lập các thông số để chụp cảnh núi lửa phun trào.

Hình ảnh được nhiếp ảnh gia Gunarto Song chia sẻ vào ngày 28/5, cho thấy vệt sáng xanh chiếu xuống đỉnh núi lửa Merapi tại miền trung Java (Indonesia) đang lan truyền trên Internet. Bức ảnh nhanh chóng thu hút sự chú ý với 27.000 lượt thích. Dòng mô tả "Thiên thạch đang rơi xuống đỉnh núi Merapi chăng?" của Song khiến người dùng đặt ra nhiều giả thuyết về nguồn gốc vệt sáng, thậm chí cho rằng đó là tín hiệu của người ngoài hành tinh.

Vệt sáng chiếu xuống đỉnh núi lửa tại Indonesia có thể đến từ mưa sao băng.
Vệt sáng chiếu xuống đỉnh núi lửa tại Indonesia có thể đến từ mưa sao băng. (Ảnh: Gunarto Song).

Tuy nhiên theo Mashable, các nhà khoa học nhận định vệt sáng có thể đến từ mưa sao băng. Theo Viện Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Indonesia (LAPAN), vệt sáng xuất hiện trùng thời điểm 2 trận mưa sao băng diễn ra trong tháng 5 và tháng 6.

Cụ thể, mưa sao băng Eta Aquarids xảy ra trong khoảng thời gian 19/4-28/5, còn mưa sao băng Arietids được cho kéo dài từ 14/5-24/6. Mỗi năm, khoảng 30 trận mưa sao băng có thể được người dân trên Trái Đất quan sát.

"Dựa trên dữ liệu, chúng tôi cho rằng vệt sáng xanh xuất hiện ở núi lửa Merapi có thể liên quan đến các trận mưa sao băng này. Mưa sao băng xảy ra khi các thiên thạch di chuyển vào khí quyển Trái Đất với số lượng lớn và tốc độ cao", LAPAN giải thích.

Khi thiên thạch đi vào khí quyển, sự ma sát với luồng khí nóng xung quanh khiến chúng bốc cháy tạo ra các vệt sáng. Thiên thạch phát sáng được gọi là sao băng, màu sắc tùy vào thành phần hóa học của chúng.

Phân tích vệt sáng trên núi lửa Merapi, LAPAN cho rằng màu xanh có thể do hàm lượng magie cao trong thiên thạch.

Chia sẻ với CNN, Song cho biết bức ảnh được chụp với tốc độ màn trập 4 giây để ghi nhận sự chuyển động của các sao băng. Mục đích ban đầu của Song là chụp cảnh núi lửa mạnh nhất của Indonesia hoạt động, nhưng khi nhìn thấy đám mây đột ngột xuất hiện trên đỉnh núi lửa, anh đã nhanh chóng chụp lại bức ảnh với thiết bị, thông số được điều chỉnh phù hợp. Song thừa nhận đã rất may mắn khi chụp lại vệt sáng xanh từ mưa sao băng trên đỉnh núi lửa với thông số thích hợp dù đó không phải ý định ban đầu.

Cập nhật: 03/06/2021 Theo Zing
  • 1.341