Trong nhiều năm, số người chết do tai nạn giao thông (TNGT) ở Pháp luôn là 8.000 người / năm (tỉ lệ cao so với các nước trong khu vực). Nhưng năm 2005, số người tử vong do TNGT ở Pháp giảm, còn khoảng 5.000 người. Có nhiều nguyên nhân tạo nên kết quả ấy, trong đó có việc lắp đặt hệ thống rađa đo tốc độ để ngăn ngừa lái xe vi phạm luật an toàn giao thông.
Với 28 triệu 700 nghìn xe cá nhân, 5,6 triệu xe chở hàng và chở khách, Pháp trở thành một trong những nước có nhiều xe hơi nhất châu Âu. Trong năm 2005, Chính phủ Pháp đã lắp đặt 1.000 rađa tự động đo tốc độ, gồm 5 loại:
Thứ nhất, cabin tự động được lắp đặt cố định dọc theo các tuyến quốc lộ giáp ranh giữa các thị trấn nhỏ hoặc nơi giao nhau giữa thành phố và ngoại ô, trông giống như một trụ điện. Hiện có 692 chiếc được phân bổ cho 98 tỉnh của Pháp. Ước tính 500 rađa đã thu về cho ngân sách nhà nước khoảng 170 triệu euro, như vậy với 1.000 chiếc rađa, năm 2005, ngân sách nước Pháp đã có khoảng 340 triệu euro, tiền phạt lái xe.
Thứ hai, thường được bố trí ở những nơi kín đáo, ít ngờ tới như: dưới cầu, sau bụi cây hoặc tại những đoạn tránh xe (dành cho người đi bộ qua đường), được gắn với những chiếc ống nhòm có độ chính xác cao. Những chiếc rađa này trở thành ác mộng cho các lái xe vi phạm. Hiện có 213 chiếc đang hoạt động tại 92 tỉnh.
Thứ ba, những chiếc camera laze, được gọi là “nỗi đau khổ đeo đẳng” cho lái xe ôtô và môtô. Tuy nhiên, không phải mọi hành động của người sử dụng đều được thực thi, trong trường hợp người sử dụng cố ý điều chỉnh sai số liệu, máy sẽ tự động “ngủ”.
Rađa đo tốc độ được lắp đặt ở nhiều nơi. (Ảnh: CAND)
Thứ tư, rađa tự động đặt ở ngã tư, cụ thể là phía trên đèn tín hiệu giao thông, hoạt động như camera. Khi phát hiện phương tiện vượt quá tốc độ quy định, hoặc vượt đèn đỏ, nó ngay lập tức ghi lại biển số của xe vi phạm, thời gian và địa điểm vi phạm rồi tự động truyền về Trung tâm giám sát và xử lý vi phạm. Máy tính của trung tâm sẽ tìm kiếm dữ liệu cá nhân của chủ xe thông qua biển số xe và tự động in hóa đơn phạt. Trên biên bản phạt ghi rõ: tên chủ xe, địa chỉ, vi phạm trong trường hợp nào... Và công việc của Cảnh sát giao thông (CSGT) chỉ đơn giản là gửi biên bản này đến tay chủ xe vi phạm, kèm theo một biên bản.
Trong vòng một tuần, số tiền phạt sẽ được giảm một nửa nếu chủ xe đến nộp, còn ngược lại, số tiền phạt cứ tăng theo cấp số nhân. Trong trường hợp cho người khác mượn xe, thì phải ghi rõ lý lịch cá nhân của người mượn xe. Nhưng trước tiên, chủ xe vẫn phải nộp phạt, chỉ khi nào những thông tin trên được cho là đúng thì số tiền nộp phạt đó mới được hoàn trả. Đây là công cụ hỗ trợ đắc lực cho công tác xử lý vi phạm của CSGT Pháp. Hiện loại rađa này được lắp đặt ở 5 thành phố của Pháp là: Le Vésinet (78 điểm), Toulouse (31 điểm), Metz (57 điểm), Paris (75 điểm) và Nancy (54 điểm).
Thứ năm, rađa chuyên dụng cho môtô, xe máy cảnh sát. Những chiếc rađa loại này thường được sử dụng trong các đợt tuần tra kiểm soát của cảnh sát. Nó được đặt khá kín đáo dưới hiệu đèn nhấp nháy của môtô và được gắn với thiết bị ghi âm. Loại máy này tỏ ra hữu hiệu ở xa lộ E40 và E411 của Pháp.
Tuy nhiên, để đưa hệ thống rađa này vào hoạt động từ cuối năm 2003, không phải ngay từ đầu đã nhận được sự đồng thuận của người dân Pháp, mà ngược lại, rất nhiều ý kiến đã lên tiếng phản đối vì cho rằng chính phủ cố tình gây sức ép với cánh lái xe, nhất là cánh lái xe đường trường. Vì vậy phải mất một thời gian dài, tuyên truyền sâu rộng về lợi ích của hệ thống rađa cho người dân, nhất là tiến hành ngay biện pháp lập địa điểm của từng trạm rađa trên bản đồ toàn quốc, kèm theo đó là những tấm biển báo cảnh cáo trên các đường quốc lộ. Đồng thời, Chính phủ Pháp cho phép công khai mục đích sử dụng khoản tiền phạt thu được. Theo đó, 60% tổng số tiền phạt được dùng vào tái đầu tư và bảo dưỡng loại thiết bị này; 40% còn lại, được chuyển sang Bộ Đầu tư để dành cho xây dựng hạ tầng cơ sở giao thông và cải thiện mạng lưới an toàn đường bộ.
Kết quả, sau khi mạng lưới rađa đo tốc độ tự động hoạt động, trung bình mỗi tháng có từ 150 nghìn đến 200 nghìn hóa đơn phạt. Như vậy, mỗi rađa thực hiện được 20 hóa đơn/tháng. 70% chủ xe vi phạm chấp hành nộp phạt đúng thời hạn và chỉ có 2% kháng nghị. Còn theo thống kê của Cơ quan Giám sát đo lường tốc độ Pháp, bình quân tốc độ lái xe đã giảm 5km/giờ. Cuối cùng, chỉ có rađa đo tốc độ tự động mới làm thay đổi được thói quen lái xe tốc độ cao của người Pháp - một việc mà hàng chục nghìn cảnh sát trước đây phải bó tay.
Năm 2005, Chính phủ Pháp đã mất 400 triệu euro để mua 1.000 chiếc rađa đo tốc độ, nhưng hiệu quả kinh tế thì thật to lớn: Tổn thất kinh tế hàng năm từ 30 tỉ euro xuống còn 24 tỉ euro; bên cạnh đó còn thu được 200 triệu euro tiền phạt vi phạm giao thông. Năm 2006, Chính phủ Pháp tiếp tục lắp đặt thêm 500 chiếc rađa loại này và thử nghiệm lần cuối hệ thống định vị toàn cầu tự động hạn chế tốc độ để tiến tới sử dụng rộng rãi.
Hoàng Hạnh