Hệ thống Gravitricity hoạt động như một bộ pin khổng lồ để trữ điện đến từ năng lượng tái tạo.
Hệ thống thử nghiệm cao 15 m có chi phí 1,4 triệu USD được đặt ở tháp cao tại rìa đất ở bến cảng Leith, Edinburgh. Hệ thống này vận hành bằng cách sử dụng điện dôi thừa để nâng tạ nặng giúp lưu trữ năng lượng cho tới khi cần dùng. Điện được sản sinh khi thả tạ xuống. Hai quả tạ rơi trong vòng 10 giây. Hệ thống chứng minh công nghệ khả thi.
Hệ thống thử nghiệm đặt trên tháp cao của Gravitricity. (Ảnh: BBC).
Các chuyên gia cho biết những hệ thống lưu trữ điện năng như vậy đang trở nên ngày càng quan trọng khi con người ngày càng phục thuộc vào phong năng và quang năng. Công ty Gravitricity hy vọng có thể triển khai công nghệ ở châu Âu và châu Phi.
"Công nghệ mới có thể tạo ra sự khác biệt trên toàn cầu. Nó sẽ giúp thắp sáng những bóng đèn ở châu Phi cũng như ở châu Âu", Charlie Blair, giám đốc quản lý của Gravitricity, cho biết.
Thiết kế của Gravitricity cho phép sử dụng hệ thống trong những hầm mỏ cũ. Tại Anh, hệ thống có thể hoạt động ở độ sâu 750m, gấp đôi chiều cao tháp Eiffel ở Paris. Nhưng ở các nước châu Phi, hệ thống sẽ được đặt trong những hố xây dựng đặc biệt với độ sâu lên tới hơn 2km.
"Công nghệ lưu trữ năng lượng còn khá mới với hệ thống điện của chúng ta. Trong quá khứ, chúng ta không thực sự cần đến nó bởi những nhà máy điện truyền thống thường đi kèm hệ thống lưu trữ. Nhưng với các trang trại điện gió, cần có hệ thống lưu trữ hỗ trợ", chuyên gia năng lượng Hannah Chalmers đến từ Đại học Edinburgh, nhấn mạnh.
Theo Gravitricity, công nghệ của họ cung cấp giải pháp tiết kiệm chi phí so với pin lithium-ion và không đòi hỏi nguyên tố đất hiếm như cobalt và nickel.