Hen phế quản tăng mạnh

Theo bác sĩ Đỗ Trương Thanh Lan - khoa dị ứng - miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, thời điểm giao mùa như hiện nay, bệnh nhân hen sẽ phảiđối diện với những cơn khó thở cấp, rất khó chịu và nguy hiểm nếu bệnh không được kiểm soát, giữ gìn tốt.

Tại khoa dị ứng - miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, hiện có đến 30% bệnh nhân điều trị nội trú liên quan đến hen phế quản (Ảnh: N.Hà)

Ngày 30-10, tại khoa dị ứng - miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) có đến 30% số bệnh nhân điều trị nội trú là bệnh nhân hen. “Lượng bệnh nhân thực tế trong hai năm trở lại đây không nhiều đột biến nhưng số nhập viện vào thời điểm giao mùa vẫn tăng đều là do các trường hợp bệnh nhân hen nặng vẫn chiếm một con số khá lớn” - bác sĩ Lan phân tích.

TS Nguyễn Đạt Anh - trưởng khoa cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết điều đáng tiếc là phần lớn những ca bệnh nặng được đưa vào viện cấp cứu hiện nay đều không được nhận thức một cách đúng đắn và đầy đủ từ bệnh nhân và gia đình. Người bệnh đôi khi không nhận thấy rõ sự khác thường trong chính cơ thể mình.

Có khi hen đã lên cơn kịch phát, thở gấp, nhịp tim nhanh, chỉ nói được những câu ngắn, người bệnh vẫn ung dung chữa tại nhà. Dựa vào những đơn thuốc cũ để tự mua, tự uống trong một số trường hợp có thể đem lại hiệu quả nhất thời, nhưng không ít người vì thói quen “tự chỉ định” này mà khiến cơn hen vẫn tiếp tục duy trì và trở thành kháng trị. Có nhiều biến chứng cho thấy cơn hen đã kháng trị như tràn khí màng phổi, hen nặng tối cấp...

Theo bác sĩ Đinh Thị Kim Liên - trưởng khoa dinh dưỡng, Bệnh viện Bạch Mai, có nhiều người mắc hen phế quản bị dị ứng khá nặng sau khi ăn hải sản. Một phần là do cơ địa dị ứng của bệnh nhân hen, bệnh nhân có thể hấp thu cả những protein chưa tiêu hóa của loại hải sản đó, phần khác do các loại hải sản đều có mùi tanh nên dễ làm người bệnh lên cơn hen vì cơ thể dễ bị dị ứng với những mùi mạnh, mùi khó chịu.

Do đó, bệnh nhân cần biết chọn lựa thức ăn phù hợp để biết kiêng trừ, tránh tạo ra những cơn khó thở cấp. Khi thăm dò thức ăn, nên ăn với liều lượng ít và tăng dần những lần sau nếu thấy an toàn.

Trong khi sơ chế làm sạch thức ăn, cần loại bỏ các chất chứa trong bộ phận tiêu hóa của con vật vì ở đó có thể chứa các chất gây dị ứng ngoại lai khác từ thức ăn do nó ăn vào.

Khoa cấp cứu đã chứng kiến nhiều ca tử vong do hen mà nguyên nhân ban đầu là do dùng kháng sinh và thuốc chống viêm bừa bãi. Các loại thuốc bệnh nhân tự mua về dùng phần lớn thuộc nhóm thuốc tễ nên gần như không có tác dụng gì với những cơn hen kịch phát.

Các bác sĩ cũng cảnh báo về hiện tượng nhiều người vẫn tin tưởng vào những bài thuốc chữa hen “rất khó hiểu” như sử dụng mèo đen. Bài thuốc này không những không thể khống chế bệnh mà còn làm hạn chế khả năng tiếp cận của bệnh nhân với hình thức chăm sóc y tế hiệu quả ở các bệnh viện!

Hiện nay, tại VN có khoảng 5% dân số, tức khoảng 4 triệu người, mắc bệnh hen phế quản. Theo một nghiên cứu của Bệnh viện Bạch Mai, phần lớn người bệnh (70,8%) có tiền sử dị ứng thức ăn, dị ứng thuốc, viêm mũi dị ứng, chàm; 20% bệnh nhân hen có tiền sử hen từ nhỏ hoặc mang dấu ấn đậm nét của yếu tố gia đình khi trong nhà có ông bà, bố mẹ, anh chị em mắc hen.

Các bác sĩ cũng thừa nhận do biểu hiện ban đầu của bệnh nhiều khi không rõ ràng nên hiện vẫn có khoảng 1/3 trường hợp hen được phát hiện sau ba năm và có tới 55% bệnh nhân hen chưa được chẩn đoán tại cộng đồng.

NGỌC HÀ

Theo Tuổi trẻ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video