Con người Bennett
Clara Ford và Edsel Ford |
Bennett lúc đầu được mướn làm cận vệ cho Henry Ford nhưng rồi xen vào các công việc liên quan tới Henry Ford. Nếu nhà đại doanh nghiệp cao tuổi này khó tính với nhiều người khác thì riêng đối với Bennett, Henry Ford lại luôn luôn gặp gỡ sáng chiều, hoặc giáp mặt, hoặc qua điện thoại. Có thể vì khéo léo, Bennett đã lấy được cảm tình của Henry Ford để rồi tự nhận mình là Giám Đốc Nhân Viên. Henry Ford còn ưa thích Bennett vì anh này đã liên lạc chặt chẽ được với các tay anh chị trong công ty mà đối với ông Ford, đó là cách hay nhất để chống lại những xáo trộn do công nhân gây ra và các sự sang đoạt có thể xẩy ra của các con cháu.
Bennett thường giao du với hạng trộm cướp và giết mướn. Trong một bữa tiệc do Bennett mời tại Công Ty Ford, vị Thống Đốc Michigan đã phải ngạc nhiên và bất bình khi thấy có mặt một tên sát nhân đang bị cảnh sát truy tầm. Về sau này, Bennett đã kể lại sự việc trong cuốn tự thuật như sau: "Vì ông Thống Đốc nổi tiếng là hay lên mặt mô phạm nên tôi cảm thấy sung sướng trong lòng khi ngắm nhìn ông ta bối rối".
Bennett luôn luôn mang súng lục trong mình. Một hôm anh ta bắn cụt điếu thuốc lá đang cháy dở trên môi một người vi phạm điều cấm kỵ của Henry Ford là không được hút thuốc trong cơ xưởng. Bennett còn bày ra nhiều kế để thử thách các nhân viên trong công ty về lòng thủy trung và tính kín đáo. Một hôm với vẻ bí mật và quan trọng, Bennett đưa cho một nhân viên trong hãng một bao thư và bảo: "Hãy giữ cái này cho tới khi nào tôi hỏi tới. Nhớ đừng nói với ai là tôi đã đưa nó cho anh". Vài ngày sau, viên quản đốc trực tiếp của nhân viên đó tới gặp anh ta và bảo: "Ông Ford bảo tôi đến xin lại anh các giấy tờ mà anh đã cất giữ". Nếu nhân viên này thực thà hoàn trả bao thư, anh ta sẽ bị đuổi sở vào cuối tuần. Trái lại nếu anh ta thề rằng chưa hề cất giữ một giấy tờ gì, anh ta sẽ được tăng lương và thăng cấp. Bằng phương pháp kể trên, Harry Bennett đã thử lòng trung thành tuyệt đối của các nhân viên.
Henry Ford II.
Edsel Ford - 1939 |
Khi Edsel từ trần, Henry II được giải ngũ và trở về làm đại diện cho gia đình Ford tại hai xưởng ở River Rouge và Willom Run, nơi chế tạo máy bay oanh tạc. Sự trở về của Henry II làm cho Bennett hết sức lo ngại. Anh ta cố gắng làm sao cho chàng thanh niên này không có được các chức vụ quan trọng trong công ty.
Lúc này, Henry II hết sức đơn độc lại không có người hướng dẫn nhưng Henry II đã đi khắp nơi tìm hiểu mọi vấn đề bằng cách chắp nhặt những điều hiểu biết. Đối với ông chủ trẻ tuổi này, các nhân viên trong công ty cũng e ngại không dám nói chuyện vì e sợ sự kiểm soát của Bennett. Henry II trong khi đó vẫn kiên nhẫn lục lọi, tìm hiểu mọi vấn đề, cả vấn đề bán hàng là thứ mọi người thờ ơ.
Việc làm đầu tiên của Henry Ford II là mời ngay Jack Davis, một trong các sáng lập viên khi đó đang sống ẩn dật tại California, về làm Giám Đốc Thương Mại tại Dearborn. Davis là một người bạn thân của Edsel nhưng đã bị Bennett bất tín nhiệm vào thời kỳ trước ngày Thế Chiến bùng nổ. Khi đó Edsel đã phải dấu diếm đổi Davis đi làm việc tại chi nhánh California. Tới lúc này, Henry II đã có một quân sư đầy kinh nghiệm và đáng tin cậy bên cạnh, một điều tối cần thiết cho nhà doanh nghiệp trẻ tuổi để có thể đương đầu với bè nhóm của Bennett và để không bị lạc đường giữa cách tổ chức quá phức tạp của Công Ty. Ngoài ra, bên cạnh Bennett còn có thêm John Bugas, nguyên trưởng ty Cảnh Sát Liên Bang (FBI) tại Detroit.
Hennry Ford II |
Việc điều hành công ty gặp rắc rối như vậy nhưng không ai trong gia đình dám bày tỏ cho ông già Henry Ford hiểu rõ. Chính thức thì cụ Henry Ford I vẫn là Tổng Giám Đốc của công ty và các quyết định quan trọng đều phải có sự đồng ý của nhà đại doanh nghiệp. Trước tình trạng này, Davis và Bugas chỉ còn cách khuyên Henry II kiên nhẫn và chờ đợi…
Vào một buổi sáng, Henry II được tin Bennett đã làm một bản bổ chính (codicil) tờ di chúc của cụ Henry I mà gia đình Ford không ai hay biết. Theo bản bổ chính này, khi nhà đại doanh nghiệp qua đời, Công Ty Ford Motor sẽ được đặt trong 10 năm dưới quyền kiểm soát của một Hội Đồng Quản Trị do Bennett làm Chủ Tịch. Tin này làm cho Henry II hết sức giận dữ. Bugas tới gặp Bennett và cho biết Henry II rất bực mình và đang tìm cách làm thay đổi một vài điều khoản trong bản chúc thư, thì được Bennett trả lời: "nếu chỉ có vậy làm ông ta buồn phiền thì ngày mai anh lại văn phòng của tôi, chúng ta sẽ thu xếp". Ngày hôm sau, tại văn phòng của Bennett, Bugas được Bennett cho xem 9 bản bổ chính, cả tờ giấy than nữa, rồi ngay sau đó Bennett đã châm lửa đốt và nhặt tàn than bỏ vào một bao thư đưa cho Bugas để trao về cho Henry II.
Trước các hành động của Bennett, các người trong gia đình Ford thấy rằng chỉ còn một cách chống lại Bennett là phải cấp tốc làm sao cho Henry II trở nên Tổng Giám Đốc Công Ty, mặc dù điều này có thể gây cho ông già Henry I những xúc động. Clara Ford nhận công tác này. Henry I thường là người rất ương ngạnh và hay cáu gắt nhưng đối với bà vợ, ông vẫn hay nghe lời.
Ngay khi được tin ông nội có ý định nhường chức cho mình, Henry II liền họp với Davis, Bugas và Mead Briker, một trong các viên giám đốc, để bàn tính rồi tới Fair Lane gặp ông nội. Henry II ra điều kiện chỉ nhận chức vụ khi có toàn quyền định đoạt và thực hiện các thay đổi trong công ty. Henry II tuyên bố sẽ họp Hội Đồng Quản Trị vào ngày hôm sau. Trong lúc Henry II còn đang chờ đợi quyết định của ông nội thì nhận được điện thoại của Bennett. Với một giọng nói đầy thiện cảm, Bennett báo tin cho biết rằng anh ta đã khuyên nhà đại doanh nghiệp trao chức vụ Tổng Giám Đốc Công Ty cho Henry II rồi.
Henry II - Henry - Edsel Ford |
Khi nhận lãnh chức vụ Tổng Giám Đốc để cạnh tranh với các công ty đang phát triển vào thời gian đó là General Motors và Chrysler, Henry II mới 28 tuổi, là một thanh niên vụng về, không kinh nghiệm, không biết gì về doanh nghiệp. Tuy nhiên Henry II đã được hướng dẫn của hai người đàn bà rất tài giỏi, là bà mẹ và bà nội. Với sự trợ giúp của hai phụ nữ này, Henry II đã tung vào thương trường 4 triệu mỹ kim để hoạt động. Có người hỏi viên Tổng Giám Đốc trẻ tuổi này tại sao đã hành động như vậy, thì Henry II đã trả lời: "Chính vì sự tự hào về truyền thống!".
Henry Ford II đã cải tổ lại nhiều tổ chức trong công ty. Những người thợ có khả năng đều được theo học các khóa huấn luyện để có thể bước lên các địa vị cao hơn. Henry II đã làm cho công việc hàng ngày tại nơi cơ xưởng trở nên nhẹ nhàng, dễ chịu và đã chứng tỏ rằng sự liên lạc chặt chẽ và thân mật giữa chủ và thợ là điều tối cần thiết để nâng cao hiệu xuất và như vậy, tiền lời cũng được gia tăng. Chắc hẳn Edsel đã ghi sâu vào trong óc của các con ý thức về trách nhiệm xã hội, điều mà Henry Ford I đã cho là vô ích.
Dưới sự điều khiển khéo léo của Henry II, Công Ty Ford Motor đã khôi phục lại được cương vị cũ. Đây là một thành tích hết sức đáng ngạc nhiên trong lịch sử kỹ nghệ mới. Vào năm 1946, Công Ty Ford gần như thất bại. 4 năm sau, Ford Motor đã thu được 265 triệu tiền lời rồi số xe hơi bán ra lại vượt hẳn công ty xe hơi Chevrolet vào năm 1955. Ford Motor đã trở thành một công ty hoàn toàn mới và rất phát đạt. Sự thành công này là do tinh thần làm việc của nhân viên văn phòng, của thợ thuyền và giới đốc công, và tất cả những thứ đó là công lao của Henry II.
Henry Ford & Edison |
Vào ngày 7 tháng 4 năm 1947, ông Henry Ford I từ giã cõi đời, hưởng thọ 83 tuổi. Henry Ford thực là một nhân vật xuất sắc về cơ khí và thương mại. Ngay cả bản tính của nhà đại doanh nghiệp cũng khác thường. Người ta còn kể lại rằng trong dịp đãi tiệc Vua và Hoàng Hậu Anh Quốc tại Tòa Bạch Cung, Tổng Thống Franklin Roosevelt có gửi giấy mời Henry Ford. Nhà đại doanh nghiệp đã viết giấy xin lỗi vị Nguyên Thủ Quốc Gia về sự vắng mặt. Henry Ford đã từ chối vì ngày hôm đó, bà Clara tổ chức buổi họp mặt các hội viên có chân trong Hội Trồng Tỉa.
Henry Ford đã viết bốn cuốn sách cùng với tác giả Samuel Crowther, đó là các cuốn: "Cuộc đời và công việc của tôi" (My Life and Work, 1922), "Hôm Nay và Ngày Mai" (Today and Tomorrow, 1926), "Edison theo tôi được biết" (Edison As I Know Him, 1930) và "Tiến Tới" (Moving Forward, 1931).
Henry Ford thực là một nhân vật đặc biệt trong Lịch Sử Kỹ Nghệ Xe Hơi
---------------------------------------
Trở lại: "Henry Ford người cha của nền kỹ nghệ xe hơi"
Trở lại: "Henry Ford, người bạn của công nhân"
Trở lại: "Bản chất của Henry Ford"
Trở lại: "Xe Kiểu T được thay thế bởi xe Kiểu A"