Đó chính là lý do người giàu có thể quyên góp hàng trăm triệu cho người gặp hoạn nạn, nhưng sẽ không tặng vài triệu để hàng xóm "xài" chơi. Một tư duy nghèo nàn nguy hiểm mới là thứ đáng sợ đang định nghĩa sự “ki bo” của người giàu.
Trong cuộc sống, chúng ta thường gặp rất nhiều người giàu có nhưng chi tiêu tằn tiện, hay bị gọi là keo kiệt, bủn xỉn và ki bo.
Ngược lại, những người bình thường, thậm chí là túng thiếu, lại chi tiêu hào phóng, rất rộng lượng và “mạnh tay” khi thanh toán.
Ví dụ như một người bạn nào đó có gia cảnh giàu có lại ăn mặc giản dị, dùng điện thoại cũ, ăn quán ven đường, thích đi mua hàng giảm giá.
Một người gia cảnh bình thường lại liên tục thay điện thoại đời mới nhất, thích mua đồ hàng hiệu, ăn uống ở những nơi sang chảnh.
Kỳ thực, đại đa số thời điểm, chúng ta chỉ có thể chứng kiến bề ngoài của một người, mà không thể hiểu được bản chất bên trong.
Lý do giúp một người thường trở nên thành công không chỉ cần sự may mắn, mà còn nhờ năng lực tài chính hơn người.
Đối với họ, rất nhiều khoản chi tiêu là không cần thiết, rất nhiều khoản tiền có thể bớt lãng phí. Trong mắt họ, đó không coi là ki bo, mà là tiết kiệm, là kỹ năng tích lũy tài phú mà ai cũng cần có trong đời.
Người giàu có thực thụ có quan niệm về tiền bạc và quan niệm tiêu dùng của riêng họ. Nguyên nhân giải thích cho sự khác biệt này chủ yếu nằm ở 3 điều sau đây:
Người kiếm tiền sẽ hiểu: Kiếm 10 đồng thì dễ, kiếm 100 đồng mới khó
Trên thực tế cứ 10% người kiếm tiền thì có đến 90% người mất tiền, đó vốn là định luật của thị trường.
Dù ở thời đại nào, số người giàu vĩnh viễn luôn ít hơn người nghèo. Để tích lũy được gia tài hiện tại, không ai không phải bước qua gian khổ và cay đắng.
Nhất là những người đang ở vào giai đoạn tìm kiếm chút vốn liếng làm ăn thuở sơ khai, vay mượn mỗi người một chút, từ người thân, họ hàng cho tới bạn bè.
Thời điểm phải đi xin tiền chính là thời điểm mà người ta “thấm” vị nghèo nhất. Cho nên, dù sau này giàu có rồi, họ cũng không bao giờ tiêu xài hoang phí.
Kiếm tiền không dễ nên tiêu tiền càng phải cẩn thận hơn. Chi tiêu quá nhiều vào những khoản không cần thiết cũng đồng nghĩa với việc họ đang lãng phí mồ hôi nước mắt của bản thân ngày xưa.
Người giàu có học được cách quản lý tiền, biết phân biệt rõ những thời điểm nên và không nên tiêu tiền
Tài phú vật chất không phải là thứ đến một lần sẽ giữ được mãi mãi, càng không thể cất giữ dài hạn.
Qua thời gian, đồng tiền sẽ dần mất giá, cộng thêm “miệng ăn núi lở”, chi tiêu sinh hoạt hàng ngày, cho dù người giàu có đến mấy cũng không thể yên tâm sống qua ngày. Họ vẫn luôn phải học cách “lấy tiền đẻ ra tiền”.
Người giàu thường coi tiền là “nguồn lực” để đầu tư, để gia tăng giá trị ban đầu. Với những đồng tiền “một đi không quay trở lại”, không thể mang lại nhiều tiền hơn thì càng cần phải lên kế hoạch chi tiêu một cách cẩn thận.
Đó không phải ki bo, mà là tỉnh táo và khôn ngoan.
Đây mới chính là lối tư duy của người kinh doanh thực thụ. Họ kiếm ra tiền, nhưng họ càng biết quản lý tài sản của mình như thế nào cho hiệu quả.
Ở vào thời điểm cần phải hào phóng, đứng trước những khoản chi tiêu thực sự cần thiết, họ tuyệt đối không tiết kiệm nửa phần.
Tiêu bao nhiêu, tiêu vào đâu, tiêu như thế nào, đều là cách thể hiện năng lực tài chính của một người có tốt hay không.
Người giàu biết cách sống khiêm tốn, không thích khoe khoang, tô vàng nạm ngọc cho chính mình.
Nước lặng chảy sâu, người khôn giấu mình. Ngày xưa, Lưu Bị giả ngốc, Tư Mã Ý giả bệnh, Tôn Tẫn giả điên... đều là cách để người tài sinh tồn trước sóng gió.
Họ sẵn sàng tỏ ra yếu thế, không thể hiện sự giỏi giang, mà chỉ âm thầm chờ đợi cơ hội thích hợp vươn lên và phát triển đột phá.
Người làm việc lớn luôn học cách duy trì thái độ bình tĩnh, ứng biến thận trọng trước biến thiên của đời sống.
Họ giữ tâm thái ung dung giống như nước sâu dưới lòng biển lớn, nhìn thì có vẻ hiền hòa, nhưng ẩn chứa vô vàn nguy hiểm. Đó chính là sức mạnh của sự khiêm tốn, giấu mình.
Tương tự như vậy, tiền tài có thể đem đến ích lợi, nhưng song hành với nó cũng có rất nhiều tai họa khó lường.
Cho nên, người thực sự thành công biết cách sống ôn hòa và giản dị như một người bình thường, không phô trương, không hào nhoáng bóng bẩy, càng không tự khoe khoang về mình.
Một kẻ tiêu tiền như nước, vung tay quá trán, rong chơi với bạn bè suốt ngày thì dù đắp lên người hàng đống đồ hiệu cũng không toát ra được dáng vẻ thành công. Sự khoe khoang chỉ biến người đó trở nên ngày càng thiển cận.
Tiền tài vốn là vấn đề nhạy cảm, khi nhắc đến nó, dù là người sở hữu hay không sở hữu đều trở nên nhạy cảm không khác gì nhau.
Vì chúng ta đều hiểu rằng, với bất cứ ai, kiếm được đồng tiền không dễ dàng. Phần lớn tài sản của người giàu cũng được tích lũy nhờ làm việc chăm chỉ và chi tiêu khoa học, chứ không từ trên trời rơi xuống.
Tiêu những đồng tiền mồ hôi nước mắt kiếm ra, dù giàu có và khá giả đến mấy, người ta cũng không khỏi suy tính cẩn trọng.
Càng kiếm được nhiều tiền, họ càng hiểu đồng tiền ấy không hề dễ dàng có được. Vì thế, thay vì nói người giàu "ki bo", thực tế là, họ chỉ đủ thông minh để phân biệt rõ đâu là những khoản chi phù hợp, còn đâu là sự lãng phí bất hợp lý.
Đó chính là lý do mà người ta sẽ không đem tặng vài triệu đồng cho hàng xóm xài chơi, nhưng sẵn sàng quyên góp cho trẻ em cơ nhỡ, cho nhân dân ở vùng lũ lụt thiên tai hàng trăm triệu, thậm chí là hàng tỷ đồng.
Rộng lượng hào phóng hay ki bo keo kiệt đều trở nên khác biệt nếu bạn thay đổi phương thức so sánh.
Đôi khi, khoảng cách giữa giàu và nghèo không chỉ tồn tại ở giá trị vật chất, mà đó còn là chênh lệch về tinh thần.
Chìa khóa quyết định sự thành công của một người không phải của cải tích tiểu thành đại, mà là năng lực và tư duy để có thể tích tiểu thành đại.