Trên Trái đất, có những ngọn lửa vẫn hàng giờ, hàng ngày âm thầm rực cháy trong hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm mà không tắt. Chúng được gọi là những "ngọn lửa bất tử".
Không bí ẩn như ngọn lửa nhỏ Chestnut Ridge Park miệt mài cháy (bất chấp nó ở ngay trong lòng thác nước có tên Eternal Flame thuộc công viên Chestnut Ridge, New York, Mỹ), ngọn lửa khổng lồ gần ngôi làng nhỏ Wingen, bang New South Wales, Australia đã được khoa học giải mã. Tuy nhiên, điều đáng nói là, ngọn lửa này đã âm ỉ cháy 6000 năm mà không có dấu hiệu dừng lại!
Ngọn lửa 6.000 năm không tắt
Ngọn lửa âm thầm cháy hàng nghìn năm. (Hình minh họa).
Chúng ta đều biết rằng, các vỉa than đá rất phổ biến trên Trái đất, ước tính có khoảng 1000 ngọn lửa ngầm âm thầm cháy nhờ nguồn nhiên liệu hóa thạch này. Đặc biệt, chúng rất phổ biến ở những quốc gia giàu khoáng sản than đá.
Nhưng các ngọn lửa này phần lớn chỉ cháy trong vài ngày hoặc nhiều nhất là vài tháng. Thế nhưng, trên thế giới vẫn có những ngọn lửa âm thầm cháy hàng nghìn năm!
Đó là ngọn lửa có tên Mount Wingen.
Nằm cách thành phố Sydney 224 km về phía Bắc, ngọn lửa Mount Wingen còn có tên Burning Mountain. Sở dĩ nó có tên này là vì ngay dưới mặt đất của ngôi làng Wingen tồn tại một vỉa than đá cháy chạy dọc theo một ngọn núi.
Mỗi năm, vỉa than này nuôi dưỡng sự cháy cho Mount Wingen và từ từ di chuyển xuống phía dưới dọc theo ngọn núi với tốc độ 1m mỗi năm. Quá trình đốt cháy đã khiến cho màu đất không đồng màu tại khu vực này.
Vì có lửa ngầm cháy nên màu đất tại khu vực này không đồng đều. (Ảnh: Wikipedia).
Tuy nhiên không phải lúc nào cũng vậy và mỏ than Jharia của Ấn Độ, nơi đã cháy liên tục trong hơn 100 năm là một ví dụ hoàn hảo.
Đặc biệt là vỉa than ở Australia đã âm ỉ cháy suốt sau thiên niên kỷ qua. Núi Burning là vỉa than đốt tự nhiên duy nhất của Australia, cũng là mỏ than lâu đời nhất thế giới. Theo truyền thuyết địa phương, đó là những giọt nước mắt rực lửa của người phụ nữ bị Biami, thần bầu trời biến thành đá từ lâu.
Đối với những nhà thám hiểm, đó là dấu hiệu rõ ràng nhất của hoạt động núi lửa. Nhưng trên thực tế, đó là một vỉa than cháy chậm âm ỉ khoảng 30 mét dưới lòng đất.
Hiểm họa cho tương lai: "Kịch bản hoang tàn" tái diễn?
Ngọn lửa ngầm này tồn tại ở độ sâu khoảng 30m dưới mặt đất. Giới khoa học ước tính nó đã cháy được 6000 năm, dó đó, ngọn lửa Mount Wingen được xem là ngọn lửa than đá lâu đời nhất trên Trái đất.
Các nhà khoa học lo ngại, kể từ khi xuất hiện cách đây 6000 năm, ngọn lửa đã di chuyển được 6km. Với tốc độ này, ngọn lửa sẽ "tấn công" vùng ngoại ô Sydney trong khoảng 255.000 năm nữa.
Trước đó, các nhà thám hiểm và người châu Âu đến định cư tại khu vực này tin rằng, việc khói xuất hiện trên đỉnh núi chứng tỏ, núi lửa sắp thức giấc. Mãi cho đến năm 1829, nhà địa chất học Reverend C.P.N. Wilton đã xác định nó là một đám cháy từ than đá ngầm trong lòng đất.
Không ai biết chính xác ngọn lửa bắt đầu như thế nào, nhưng các nhà khoa học tin rằng đó hẳn là một vụ sét đánh hoặc một đám cháy rừng, hoặc xuất phát từ việc đốt của thổ dân xưa.
Quá trình cháy chậm đã khiến đất bị bạc màu và bề mặt đất không bằng phẳng trên núi Wingen. Thảm thực vật trong khu vực cũng bị ảnh hưởng bởi đám cháy dưới lòng đất. Bằng chứng là khu vực ngày càng trơ trụi và cằn cỗi hơn.
Vì là ngọn lửa than đá lâu đời nhất trên Trái đất nên Mount Wingen vô hình chung thu hút sự hiếu kỳ của du khách quốc tế. Họ đến để tận mắt chứng kiến ngọn lửa ngầm cháy 6000 năm và nhìn khói lưu huỳnh độc hại bốc lên từ đám cháy.
Khói lưu huỳnh độc hại bốc lên từ đám cháy ngầm. (Ảnh: Gizmodo).
Trên thế giới, không hiếm những khu vực có lửa than đá ngầm gây nguy hiểm đến con người cũng như động-thực vật. Đơn cư như tại thị trấn Centralia, thuộc quận Columbia, tiểu bang Pennsylvania, phía Đông nước Mỹ.
Thị trấn Centralia được liệt vào danh sách một trong những khu vực nguy hiểm nhất hành tinh (đọc series tại đây) do có ngọn lửa than đá cháy bên dưới càng ngày càng lan rộng, với mức nhiệt nóng nhất đạt tới 540 độ C, kèm khí độc CO, sunfurơ... tựa như những đám mây chết chóc bao trùm lên tất cả.
Sau một tai nạn do con người gây ra tháng 5/1962, đến nay, ngọn lửa ngầm vẫn cứ cháy mãi. Giới khoa học đánh giá, bên dưới lòng đất Centralia có đủ lượng than đá để cháy âm ỉ trong 250 năm nữa!
Hiện tại, thị trấn Centralia giống như "thị trấn ma" vì hàng nghìn người đã buộc phải di tán vĩnh viễn, có chăng, chỉ khoảng 10 người còn ở đây.
Khí độc phun lên từ đám cháy ở thị trấn Centralia.
Do đó, các nhà khoa học lo ngại, "kịch bản hoang tàn" tại Centralia sẽ tái diễn với khu vực Sydney - "Trái tim của bang New South Wales", mặc dù câu chuyện hiểm họa khó diễn ra trong một sớm một chiều.