Thành phần trên nhãn mác với tỷ lệ tương ứng sẽ giúp bạn biết rõ thực phẩm mình dùng, chứ không chỉ dựa vào quảng cáo. Chẳng hạn, một loại mì được nói làm từ khoai tây nhưng thành phần khoai tây chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, đọc và hiểu đúng nhãn mác để chọn sản phẩm phù hợp với mục đích sử dụng là thói quen cần có đối với mỗi người tiêu dùng. Những điều cần quan tâm khi đọc nhãn mác thực phẩm là:
Đối tượng sử dụng
Trên nhãn mác một số sản phẩm ghi đối tượng đặc biệt mà loại thực phẩm đó dành riêng cho, chẳng hạn sữa công thức cho trẻ 1-3 tuổi hay sữa ít béo, sữa bà bầu, sản phẩm cho người tiểu đường... Khi mua hàng cần xem xét kỹ thông tin trên và lựa chọn sản phẩm phù hợp.
Thành phần dinh dưỡng ghi trên một hộp sữa cho trẻ nhỏ
Thành phần dinh dưỡng
Các thành phần dinh dưỡng ghi trên bao bì thực phẩm thường là tỷ lệ chất đạm, đường, chất béo, vitamin và khoáng chất. Thông thường, các thành phần này được sắp xếp theo thứ tự từ chất có trọng lượng cao đến chất có trọng lượng thấp. Chẳng hạn, một hộp nước sốt cà chua với cà chua là nguyên liệu chính sẽ được liệt kê đầu tiên. Gia vị hoặc thảo mộc được liệt kê cuối cùng vì có trọng lượng thấp nhất. Đọc thành phần với tỷ lệ tương ứng sẽ giúp bạn biết rõ thực phẩm mình dùng, chứ không chỉ dựa trên quảng cáo. Chẳng hạn, một loại mì được nói là làm từ khoai tây nhưng thành phần ghi khoai tây chỉ chiếm tỷ lệ vô cùng nhỏ.
Người tiêu dùng cũng cần để ý các tên gọi khác nhau của một thành phần: chẳng hạn trên nhãn không ghi có đường (sugar) nhưng lại có ghi mật, hoặc không chất đạm mà là protein... hay không gọi bột ngọt mà là natri glutamat hay monosodium glutamate...
Đặc biệt, những người đang thực hiện chế độ ăn kiêng, bị dị ứng hoặc có bệnh lý phải ăn theo chế độ riêng càng cần kiểm tra kỹ danh sách thành phần này, để xem mình có sử dụng được không.
Ngoài ra, trên một số sản phẩm còn có thể ghi rõ chất béo trong thành phần là loại có bão hòa hay không, có chứa cholesterone hay không... và dựa vào đó bạn có thể chọn cho mình loại phù hợp, nhất là người tiểu đường, mỡ máu, huyết áp.
Một số thực phẩm, bên cạnh các thành phần chính, nhà sản xuất có thể bổ sung vi chất, ví dụ sữa trẻ em thường được tăng cường canxi, vitamin D3... và người tiêu dùng cũng nên để ý khi mua xem có phù hợp với nhu cầu sử dụng không. Thông thường, các sản phẩm này đều tốt.
Lượng calo trên một khẩu phần ăn
Một khẩu phần ăn hay còn gọi là khối lượng ăn trong một lần (Serving) thường được chuẩn hóa, thường là trên 100 g hay 100 ml. Lượng calo là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến trọng lượng. Vì vậy, điều đầu tiên bạn cần biết trên nhãn hiệu thực phẩm là lượng calo trên một khẩu phần.
Chẳng hạn, trên một hộp sữa tươi, nhà sản xuất thường ghi tỷ lệ thành phần và lượng calo của 100 ml sữa, nhưng thể tích thực của hộp sữa thường là 110 hay 180 ml...
Cách bảo quản
Mỗi loại thực phẩm có cách bảo quản riêng. Và trên bao bì từng sản phẩm, nhà sản xuất thường ghi cụ thể cách bảo quản để đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt nhất. Hãy đọc kỹ phần này và tuân thủ. Có một số thực phẩm khô có thể trữ ở nhiệt độ thường, tại nơi thoáng mát hoặc tránh ánh nắng mặt trời. Đồ cấp đông phải được để trên ngăn đá, ngăn đông trước khi dùng. Một số khác có thể giữ trong tủ lạnh tại ngăn mát. Sản phẩm tốt có thể trở nên vô giá trị hoặc gây độc nếu bảo quản sai cách.
Cách bảo quản phù hợp như bao bì hướng dẫn mới đảm bảo chất lượng sản phẩm thực phẩm. (Ảnh minh họa: MT)
Ngày sản xuất, hạn sử dụng
Trên bao bì thực phẩm, các nhà sản xuất thường ghi ngày sản xuất và hạn dùng để chỉ sản phẩm đó tốt nhất nên sử dụng trước thời điểm nào cho đảm bảo chất lượng. Bất cứ loại thực phẩm nào, sử dụng càng tươi mới càng tốt, càng tới ngày cận date thì chất dinh dưỡng càng hao hụt và độ tươi ngon cũng giảm đi.
Thông thường, nhà sản xuất thường ghi ngày trong hạn sử dụng ngắn hơn chất lượng sản phẩm cho phép. Chẳng hạn, một sản phẩm có thể sử dụng tới 18 tháng sau ngày sản xuất, nhưng trên nhãn mác, doanh nghiệp ghi hạn dùng là sau 12 hoặc 15 tháng, để bù trừ khoản hao hụt chất dinh đưỡng và đảm bảo chất lượng tốt nhất. Như vậy tức là khi đến ngày hết hạn không có nghĩa là sản phẩm không dùng được nữa.
Tuy nhiên, tốt nhất nên sử dụng trước thời hạn trên bao bì vì về mặt cảm quan, khó đánh giá được chất lượng sản phẩm. Chẳng hạn, đến ngày hết hạn nhưng thực phẩm "có vẻ" vẫn ngon, không bốc mùi... thì cũng không có nghĩa là vi khuẩn chưa xâm nhập hay sản phẩm vẫn đảm bảo.
Ngoài việc để ý đến hạn sử dụng, người tiêu dùng cần quan sát xem bao bì sản phẩm có rách, méo, hở hoặc phồng bất thường không, khi sử dụng có mùi vị khác lạ (chua, khét, gây buồn nôn...) không. Nếu có, nên loại bỏ.
Tên, địa chỉ nhà sản xuất
Tên, địa chỉ nhà sản xuất phải được ghi rõ ràng, cụ thể, xác thực. Nên chọn những nhãn hiệu sản phẩm quen thuộc, có uy tín. Không mua các sản phẩm mà tên và địa chỉ của nhà sản xuất hoặc nơi chế biến đóng gói không rõ ràng, viết tắt, dễ gây hiểu lầm và đó có thể là hàng nhái, hàng giả.
Tiêu chuẩn, cấp phép
Các sản phẩm thực phẩm trước khi đến tay người tiêu dùng phải được cơ quan chức năng kiểm tra chất lượng, độ an toàn rồi cấp phép. Điều này thường được ghi rõ trên nhãn. Vì vậy, khi lựa chọn, bạn nên xem sản phẩm đã được cấp phép chưa, theo tiêu chuẩn nào, mã ra sao.
Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ đặt ra những quy tắc cụ thể cho các nhà sản xuất để có thể dán nhãn trên thực phẩm bằng các thuật ngữ “light – nhẹ”, “low – thấp”, “reduce – giảm bớt”, “free-không có”, và một số thuật ngữ khác. Dưới đây sẽ giải thích rõ các điều này:
- Thực phẩm “tốt cho sức khỏe” có chất béo thấp, hàm lượng cholesterol và sodium hạn chế.
- Bất kỳ thực phẩm được dán nhãn “Free” là từ chỉ một chất nào đó không có hoặc có rất ít trong thực phẩm, với một mức độ không gây ảnh hưởng gì cho cơ thể. Ví dụ như fat free (không có chất béo), sugar free (không có đường), sodium free (không có muối ăn)... được hiểu là những chất này chỉ hiện diện ở mức dưới 0,5% nhu cầu hàng ngày trong mỗi phần ăn trung bình của loại thực phẩm đó. Với các loại sữa không béo, đôi khi thay vì fat free milk còn được ghi là skim milk.
- Một khẩu phần ăn của thực phẩm được dán nhãn “low sodium- hàm lượng sodium thấp” chỉ có thể có tối đa 140 mg sodium.
- Một khẩu phần ăn “ít cholesterol” chỉ có thể có tối đa 20 mg cholesterol và 2 gr chất béo bão hòa.
- Một khẩu phần ăn “ít chất béo” chỉ có thể có tối đa 3 gr chất béo.
- Một khẩu phần ăn “ít calo” chỉ có thể có tối đa 40 kcal.
- Một khẩu phần ăn được dán nhãn “reduced – giảm bớt” để nói đến số lượng của một chất nào đó như chất béo, calorie, cholesterol hoặc muối đã được giảm bớt, vì thế các chất ấy có ít hơn so với trong thực phẩm cùng loại khoảng 25%.
- Một khẩu phần ăn “nhẹ” có lượng chất béo ít hơn thực phẩm cùng loại là 50% và lượng calo ít hơn 1/3.