Mức độ ấm lên toàn cầu do lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính CO2 tăng gấp đôi có thể thấp hơn so với những dự đoán nghiêm trọng nhất đưa ra trước đây.
Đó là nhận định trong nghiên cứu do Quỹ khoa học quốc gia Mỹ tài trợ, công bố trên trang mạng của tạp chí Khoa học ngày 24/11.
Nghiên cứu cho biết hiện tượng Trái Đất ấm dần lên đang diễn ra và lượng khí thải CO2 tăng lên sẽ gây ra những tác động nghiêm trọng hơn gấp nhiều lần tới nhiệt độ Trái đất. Tuy nhiên, mức độ ấm dần lên có thể không nghiêm trọng như những dự đoán trước đây vì theo phân tích, những nghiên cứu từ trước tới nay chỉ quan tâm tới khoảng thời gian từ năm 1850 trở lại đây mà không xem xét đầy đủ số liệu về sự thay đổi của khí hậu xuyên suốt các thời kỳ, đặc biệt là trên quy mô toàn cầu.
Khi tái hiện lại mức nhiệt độ của mặt đất và biển cả trong thời kỳ đỉnh điểm của Kỷ Băng hà cách đây 21.000 năm và so sánh với những mô phỏng khí hậu của giai đoạn đó, các nhà nghiên cứu phát hiện một bức tranh rất khác. Nếu áp dụng mô hình tính toán đó cho tương lai, kết quả sẽ cho thấy mức tăng nhiệt độ Trái đất không nghiêm trọng như các dự đoán trước đó.
Qua nghiên cứu, các nhà khoa học cũng phát hiện nhiệt độ trong đại dương thay đổi rất ít từ trước đến nay.
Lâu nay, giới khoa học vẫn dành nhiều thời gian để đánh giá những tác động do thay đổi khí hậu và biện pháp ứng phó của nhân loại trước sự gia tăng lượng khí thải CO2.
Báo cáo năm 2007 của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC) dự đoán bầu khí quyển Trái Đất sẽ ấm lên trung bình 4,5 độ C, với lượng khí CO2 tăng gấp đôi so với thời kỳ tiền công nghiệp. Tuy nhiên, theo mô hình tính toán mới, mức tăng nhiệt độ này vào khoảng 3 độ C.
Các chuyên gia nhấn mạnh nghiên cứu này cho thấy vẫn còn thời gian để thế giới ngăn chặn những tác động tiêu cực do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, với điều kiện phải hành động ngay từ bây giờ.