Hiệu ứng domino sức khỏe: Một cái chống đẩy bây giờ có thể thay đổi cả tuổi thọ của bạn

Đâu là những con số biểu thị cho sức khỏe của bạn? Nhịp tim, hơi thở, nhiệt độ cơ thể và đôi khi là huyết áp. Đó là 4 chỉ dấu sự sống quan trọng, chắc chắn rồi. Trong trường hợp bạn bị một con dao đâm vào ngực, các bác sĩ sẽ dán mắt vào màn hình để theo dõi 4 con số đó.

Nhưng trong cuộc sống thường ngày thì sao? Những con số này gần như vô dụng. Bạn có nhịp tim bình thường, nhịp thở cũng vậy, nhiệt độ thì loanh quanh 37oC, huyết áp không cao cũng không thấp.

Chỉ với 4 con số bình thường sẽ cho bạn biết rằng bạn sẽ sống và vẫn khỏe mạnh trong vài phút tới. Nhưng nếu bạn muốn biết liệu mình có sống khỏe mạnh sau 5 năm hay 10 năm nữa hay không, bạn có thể sẽ cần đến những con số khác.


Đâu là những con số biểu thị cho sức khỏe của bạn?

BMI: Một chỉ số sức khỏe đã lỗi thời

Hai con số đầu tiên và phổ biến nhất để dự đoán sức khỏe dài hạn là tuổi và trọng lượng cơ thể. Cả hệ thống chăm sóc sức khỏe của Hoa Kỳ hiện tại đang ưu tiên con số thứ hai, dưới dạng chỉ số khối cơ thể, hoặc BMI.

BMI tính bằng cân nặng (kg) chia cho bình phương chiều cao (m). Đó là một tỷ lệ đơn giản để xác định béo phì và thừa cân, từ đó giúp phân tầng rủi ro trong các ngành bảo hiểm và chăm sóc sức khỏe.

Tưởng chừng đơn giản, nhưng chỉ số BMI liên tục ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người và là một trụ cột điều phối dòng chảy của hàng tỷ USD.

Mặc dù vậy, ngày nay đã có những nghi ngờ về khả năng dự đoán tỷ lệ tử vong và bệnh tật của chỉ số BMI. Sự bất cập ở đây là nó không tính đến tỷ lệ mỡ và cơ. Một vận động viên có cơ bắp lớn có thể bị tính là béo phì nếu chỉ dùng chỉ số BMI. Ngược lại, những người có nhiều mỡ nội tạng, béo bụng nhưng gầy tổng thể vẫn có chỉ số BMI khỏe mạnh.

Vậy để biết sức khỏe có mối tương quan chặt chẽ với tỷ lệ và vị trí mỡ cơ thể hơn là cân nặng tuyệt đối. Nhưng việc đo lường chính xác tỷ lệ cơ bắp-mỡ của một người không hề đơn giản.

Xây dựng các chỉ số tập trung vào ngoại hình còn có thể gây ra nhiều rủi ro hơn cả bản thân chất béo. Chẳng hạn, một người béo muốn giảm cân thường bị ám ảnh về ngoại hình của mình, từ đó có thể gặp rối loạn ăn uống, trầm cảm, tự cô lập mình với xã hội...


BMI tính bằng cân nặng (kg) chia cho bình phương chiều cao (m).

Ngoại trừ trong các trường hợp cực đoan, không một con số nào đưa ra ý tưởng tốt về việc một người có khỏe mạnh về mặt chức năng hay không. Các chỉ số phổ biến thường không biểu hiện trực tiếp cho sức khỏe hoặc dễ dàng biến thiên.

Tuy nhiên, khi ngành chăm sóc sức khỏe vẫn cần những con số thống trị, ngày càng có nhiều bằng chứng mới nổi chỉ ra những ứng cử viên hữu ích và rẻ tiền, mà bất cứ ai cũng có thể sử dụng để theo dõi sức khỏe của họ.

Nếu những con số mới này không được nghiên cứu một cách nghiêm túc, có lẽ ít người có thể tin tưởng vào chúng bởi chúng quá đơn giản.

Đâu là những con số thay thế?

Tốc độ mà bạn đi bộ là một ví dụ, thật kỳ lạ rằng con số này có thể dự đoán được tình trạng sức khỏe của bạn. Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ đã khảo sát 35.000 người từ 65 tuổi trở lên. Theo đó, những ai có thể đi bộ với vận tốc 80cm/s, khoảng 1,4km trong nửa tiếng nhiều khả năng sẽ sống tới tuổi thọ trung bình của họ.

Nếu tốc độ của họ tăng lên mỗi giây, cứ với 10cm tỷ lệ tử vong trong 10 năm tiếp theo sẽ giảm khoảng 12%. (Bất cứ khi nào tôi nghĩ về nghiên cứu này, tôi bắt đầu đi bộ nhanh hơn).


Tốc độ đi bộ có thể dự đoán tuổi thọ của bạn.

Và tốc độ đi bộ không phải là con số duy nhất. Nghiên cứu về các phương pháp dự đoán tuổi thọ đơn giản như thế này xuất hiện cứ sau vài năm, tập hợp lại thành một bộ các chỉ số sức khỏe có thể dùng thay thế.

Năm 2018, một nghiên cứu trên nửa triệu người trung niên đã phát hiện lực nắm tay có thể được sử dụng để dự đoán tốt tỷ lệ mắc ung thư phổi, bệnh tim và tử vong do mọi nguyên nhân.

Vâng, lực nắm tay của bạn có thể dự báo nguy cơ tử vong tốt hơn cả huyết áp hoặc mức độ hoạt động thể chất tổng thể. Một nghiên cứu trước đây cho thấy sức mạnh nắm tay của những người ngoài 80 tuổi dự đoán tốt tỷ lệ họ có sống tới tuổi 100 hay không.

Thậm chí, trong một nghiên cứu khảo sát những tân binh 18 tuổi ở Thụy Điển, sức mạnh nắm tay của họ có khả năng dự đoán tốt tỷ lệ tử vong vì bệnh tim mạch khi họ bước sang tuổi 40.

Một nghiên cứu khác vào đầu năm nay thì tuyên bố rằng số lần chống đẩy có thể dự đoán nguy cơ mắc bệnh tim của bạn. Theo đó, những người có khả năng chống đẩy trên 11 cái sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch giảm xuống.

Những người có thể thực hiện 40 lần hít đất trở lên có rủi ro thấp nhất, khi nguy cơ mắc bệnh tim mạch của họ giảm tới 96%, nghĩa là 25 lần so với những người không vượt qua được 10 cái.

Stefanos Kales, giáo sư tại Đại học Y Harvard, nhận thấy rằng nguyên nhân hàng đầu gây ra cái chết của lính cứu hỏa khi làm nhiệm vụ không phải là hít phải khói, bỏng, hay chấn thương, mà là đột tử do bệnh tim mạch, nhiều nhất là bệnh động mạch vành.

Ngay cả trong một nghề có tính rủi ro cao, lính cứu hỏa vẫn có thể tử vong vì các nguy cơ tương tự như mọi người bình thường khác. Thêm vào đó, họ còn cần làm các xét nghiệm sàng lọc hiệu suất để đánh giá thể lực trước nhiệm vụ.


Chống đẩy là một thước đo dự đoán bệnh tim mạch tốt hơn cả xét nghiệm chạy bộ trên máy.

Vì lính cứu hỏa nhìn chung là những người có vóc dáng cân đối, phòng thí nghiệm của giáo sư Kales đã xem xét đến một bài xét nghiệm khác: chống đẩy. Ông phát hiện ra chống đẩy là một thước đo dự đoán bệnh tim mạch tốt hơn cả xét nghiệm chạy bộ trên máy.

Kết quả cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa khả năng chống đẩy và mức giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch trong phần sau này của cuộc đời, giáo sư Kales nói.

Những chỉ số chính xác và nhân văn hơn

Thông thường, khi các nghiên cứu như thế này được công bố, các chuyên gia ngay lập tức cho rằng kết quả của chúng nên được áp dụng vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe lâm sàng. Nói cách khác, sử dụng các con số mới có thể cắt giảm chi phí y tế và theo dõi sức khỏe tốt hơn dựa trên trọng lượng cơ thể.

Nhưng qua thời gian, sự mới lạ mà các nghiên cứu này mang lại mất dần, và hệ thống chăm sóc sức khỏe tiếp tục dựa vào trọng lượng cơ thể. Giáo sư Kales cho rằng điều này cần phải được thay đổi, các số liệu và thang đo ngoài BMI và tuổi tác phải được áp dụng nghiêm túc.

Điều này được thúc đẩy một phần bởi Đạo luật Người Khuyết tật Mỹ, nghiêm cấm phân biệt đối xử trong các môi trường nghề nghiệp dựa trên BMI hoặc tuổi.

Trước khi đạo luật ra đời, một sở cứu hỏa hoặc cảnh sát có thể tuyển người qua tiêu chuẩn BMI, giáo sư Kales nói. Bây giờ họ muốn dựa vào các tiêu chuẩn chức năng. Chẳng hạn họ muốn đánh giá bạn có thể thực hiện được công việc hay không qua số lượt chống đẩy, ngay cả khi bạn béo.

Michael Joyner, một nhà nghiên cứu tại Mayo Clinic, tập trung vào lĩnh vực giới hạn và hiệu suất của con người cho biết: Nghiên cứu về bài kiểm tra chống đẩy có thể mở rộng vượt ra bên ngoài những người lính cứu hỏa.

"Chống đẩy là một chỉ số khác trong câu chuyện đi tìm một con số phản ánh thể lực toàn thân và dự đoán tỷ lệ tử vong", Joyner nói. "Bất kỳ hình thức kiểm tra nào đòi hỏi vận động toàn thân cũng có thể tiên đoán về tỷ lệ tử vong trên một tập dân số đủ lớn".


Tập luyện sẽ giúp bạn chiến thắng định mệnh.

Nói vậy để biết: Sức khỏe không đơn giản là số lượt chống đẩy mà bạn thực hiện được. Tương tự, sức mạnh cầm nắm hay tốc độ đi bộ không phải những con số kì diệu. Nhưng chúng vẫn có khả năng cho chúng ta biết rất nhiều điều.

Những người lính cứu hỏa chống đẩy được nhiều hơn ít bị huyết áp cao, trong khi nồng độ cholesterol, triglyceride và đường trong máu đều thấp. Họ cũng không hút thuốc. Những người chống đẩy ít nhất lại có khả năng hút thuốc nhiều hơn, có chu vi vòng eo lớn và tỷ lệ mỡ cơ thể cao hơn. Họ cũng xem TV nhiều hơn và ăn ít trái cây, rau quả hơn.

Về cơ bản, các thước đo nhanh này có thể đóng vai trò thay thế, tương quan với tất cả các yếu tố quyết định đến sức khỏe tổng thể của một người. Nhiều trong số các yếu tố ấy rất khó đo lường, dù có đo được cũng xâm lấn và tốn kém.

Do đó, nếu chúng ta buộc phải chọn một con số duy nhất, đơn giản, phổ quát để xác định sức khỏe, bất kỳ số liệu chức năng nào trong số này cũng có thể là đối thủ đánh bại BMI.

Hiệu ứng domino sức khỏe

Một thước đo tốt về sức khỏe nên có ý nghĩa, dễ đo lường, có thể thúc đẩy hành động và tồn tại được qua thời gian. Trọng lượng cơ thể và chỉ số BMI thì không phải lúc nào cũng có ý nghĩa chính xác và thúc đẩy mọi người hành động, như nhiều người đã cố gắng thay đổi chúng cho biết.

Các thang đo khác yêu cầu bạn phải rút máu tại phòng khám bác sĩ, hoặc chi tiền để gửi nước bọt hoặc phân đến phòng thí nghiệm, rồi nhận về kết quả giải trình tự gen từ các công ty như 23andMe hoặc UBiome.

Bạn cũng không thể cứ dành cả ngày đếm số bước chân và tốc độ đi bộ. Trong khi chỉ cần 1 phút chống đẩy hoặc nắm lực kế đã có thể giúp bạn đánh giá sức khỏe của mình.


Một cái chống đẩy cũng có thể giúp bạn ý thức về sức khỏe của mình.

Granted, Joyner và các chuyên gia khác ước tính rằng chỉ có 20-30% người Mỹ bây giờ có thể chống đẩy nổi 1 cái. Nhưng để nâng cao được số lượt chống đẩy đó, tập luyện sẽ chiến thắng định mệnh. "Hầu hết mọi người có thể chống đẩy được từ 30 đến 40 cái, trừ khi họ gặp vấn đề về vai hoặc béo phì", theo Joyner.

Những hành động tạo ra kết quả rõ ràng trong ngắn hạn có thể dẫn đến hiệu ứng domino của các hành vi sức khỏe. "Nếu một người nào đó đọc bài viết này và bắt đầu thử chống đẩy, thì từ đó họ sẽ có nhận thức về sức khỏe và động lực cải thiện cho riêng mình", Joyner nói.

"Điều này cũng đúng với rất nhiều hành vi sức khỏe khác. Những người tuân thủ các nguyên tắc lành mạnh như ăn uống tốt, cho con tiêm vắc-xin, thì họ cũng có xu hướng tham gia vào nhiều hành vi lành mạnh khác".

Joyner lưu ý, các hành vi "có ý thức" này vừa dự đoán được tỷ lệ tử vong, vừa là các bài tập thể dục. Không giống như BMI, chống đẩy khuyến khích mọi người nhận thức về những gì cơ thể họ có thể đạt được, chứ không phải ngoại hình của họ trông thế nào.

Sự ý thức nghĩa là nhìn thấy được cách bạn đang sống có liên hệ thế nào đến tương lai của bạn, từ đó khiến bạn thay đổi hành động của mình. Không chỉ xây dựng cơ ngực và bắp vai, chống đẩy còn giúp bạn xây dựng ý thức sức khỏe.

Các công ty dược phẩm và hệ thống chăm sóc sức khỏe dựa trên điều trị bán thuốc và các sản phẩm gieo vào đầu bạn một ý niệm rằng bạn có thể làm bất cứ điều gì, chỉ cần dùng thuốc là chữa khỏi.

Việc dùng thuốc ấy không thúc đẩy ý thức của bạn, thậm chí còn làm chùng nó xuống. Các thang đo chức năng như chống đẩy thì ngược lại, sẽ giúp bạn ý thức để gìn giữ được sức khỏe tốt hơn.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh, nếu bạn hành động, bạn sẽ không mắc kẹt vào một guồng quay mà ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe hiện tại đang vẽ ra.

Cập nhật: 16/07/2019 Theo Trí Thức Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video