Dài 10cm và sống dưới đại dương, sinh vật này có thể thay đổi cả thế giới

  •   4,54
  • 6.345

Các chuyên gia cho rằng sinh vật này sẽ "dạy" con người rất nhiều kiến thức đột phá, lại ẩn chứa một tiềm năng công nghệ không nhỏ.

Trong thế giới động vật, rất nhiều loài xứng đáng được xem là "siêu nhân" vì những khả năng đặc biệt.

Thậm chí, có những loài mang trong mình khả năng thay đổi cả thế giới này, như loài vật chúng ta sẽ nhắc đến dưới đây.

Chúng có một cặp mắt tuyệt vời, cảm nhận được gần như tất cả màu sắc trên đời, và nhìn được những sóng ánh sáng mà rất ít loài có thể. Chúng nắm giữ một loạt những kỷ lục về mặt sinh học, trái ngược với vẻ ngoài tầm thường.

Sinh vật đó chính là tôm tít - hay bề bề (mantis shrimp).

Tôm tít
Tôm tít.

Gọi là vẻ ngoài tầm thường quả không sai, vì chúng ta chỉ biết đến sinh vật này trên... bàn nhậu. Có điều với giới khoa học, chúng là những sinh vật được cưng chiều bậc nhất vì những khả năng đặc biệt của mình.

Và nay, giới khoa học đang lên kế hoạch tận dụng những khả năng đặc biệt đấy để trợ giúp con người.

Ứng dụng sẽ trải trên nhiều lĩnh vực, từ chế tạo áo giáp cho binh lính, đến phương pháp xác định ung thư trong thời gian sớm nhất.

Tôm tít - sinh vật với những khả năng đặc biệt nhất Trái đất và ứng dụng cho con người

Lý thuyết đứng sau nghiên cứu mang tên "mô phỏng sinh học" (biomimetic), tức là chúng ta sẽ dựa vào thiên nhiên để cải thiện đời sống và tình trạng của con người.

Chúng ta đã từng áp dụng phương pháp này với khả năng di chuyển của sứa, cách bướm đập cánh, hay khả năng săn mồi của mực khổng lồ. Và nay đến lượt tôm tít.

Tôm tít có những khả năng cực kỳ đặc biệt.
Tôm tít có những khả năng cực kỳ đặc biệt.

David Kisailus - giáo sư khoa học kỹ thuật tại ĐH California, Riverside là một trong những người đi đầu về nghiên cứu tôm tít. Năm 2012, ông nhận ra loài tôm này có cấu trúc cơ thể hình xoắn ốc. Nhờ vậy, chúng hấp thụ được 50.000 chấn động từ các luồng sóng nguy hiểm, với gia tốc tương đương một viên đạn 0,22 li.

Kisailus cho biết chỉ cần mô phỏng lại cấu trúc cơ thể của tôm tít, chúng ta có thể tạo ra một cuộc cách mạng áo chống đạn cho quân đội và cảnh sát. Thậm chí, cấu trúc ấy có thể hiệu quả hơn rất nhiều loại vật liệu chống đạn hiện nay, bao gồm cả vỏ bọc chống đạn cho các phương tiện của tổng thống Mỹ.

Với nhãn lực quá khủng khiếp, tôm tít có thể tạo ra một bước đột phá, giúp con người đạt được tầm nhìn của những siêu nhân. Trong một nghiên cứu của ĐH Queensland (Úc) vào năm 2012, tôm tít có tới 12 tế bào hình nón (tế bào cảm thụ vị giác), trong khi ở người chỉ có 3. Nhờ vậy, chúng cảm nhận được lượng màu sắc lớn hơn chúng ta rất nhiều lần, đồng thời khả năng xử lý màu sắc cũng cực kỳ nhanh.

Tôm tít có cấu trúc cơ thể hình xoắn ốc.
Tôm tít có cấu trúc cơ thể hình xoắn ốc.

Chưa hết, như đã nêu, tôm tít có thể cảm nhận được nhiều loại sóng ánh sáng khác nhau. Chúng chuyển đổi các loại sóng ánh sáng mà động vật thường không thể thấy thành một thứ có thể quan sát được.

Điều này có nghĩa bản thân loài vật này đã là một thấu kính "siêu thị" (hyperspectral optic) - thứ mà loài người đã theo đuổi từ rất lâu rồi.

Cuối cùng, cũng là ứng dụng có tiềm năng nhất của tôm tít, đó là khả năng phát hiện ung thư từ thời kỳ cực sớm.

Theo Viktor Gruev từ ĐH Marshall và Washington (Mỹ), chúng ta có thể mô phỏng khả năng phân tích ánh sáng của tôm tít để làm được chuyện này. Thậm chí, con người có thể tích hợp nó vào trong camera điện thoại, và có thể nói ung thư sẽ chỉ là căn bệnh của quá khứ.

Ai mà tin được loài vật này nắm giữ tiềm năng công nghệ nhiều đến mức ấy.
Ai mà tin được loài vật này nắm giữ tiềm năng công nghệ nhiều đến mức ấy.

Nhưng tất nhiên, những công nghệ chúng ta kể trên vẫn đang trong giai đoạn thai nghén, và có thể chẳng bao giờ thành hiện thực. Tất cả phải để tương lai trả lời, nhưng theo các chuyên gia từ MIT, đó là những ý tưởng trên cả tuyệt vời và đầy tiềm năng.

Cập nhật: 02/06/2017 Theo Trí Thức Trẻ
  • 4,54
  • 6.345