Các nhà nghiên cứu đã phát hiện thấy đá của thung lũng Parahio trong vùng Spiti của Ấn Độ chứa dấu vết của một vùng đồng bằng sông cổ có từ 500 triệu năm trước, được lấp đầy bằng các hoá thạch bờ biển nông và các mảnh vụn rơi ra từ một dãy núi còn rất trẻ.
Phát hiện này là một đòn mạnh giáng vào quan điểm lâu nay cho rằng sự tích luỹ đầu tiên của Himalaya chỉ bắt đầu cách nay 50 triệu năm.
"Khi ngắm Himalaya, bạn thường bị ấn tượng rằng mọi thứ xảy ra trong thời Cenozoic (khoảng 50 triệu năm trước), nhưng thực tế giai đoạn thành tạo sớm dãy núi này đã diễn ra trong kỷ Cambri (542-488 triệu năm trước) hoặc sớm hơn", nhà địa chất học Paul Myrow từ Đại học Coloorado ở Colorado Springs, cho biết.
Myrow và cộng sự đã lặn lội leo lên leo xuống các sườn dốc đứng của thung lũng Parahio, thu thập "lát cắt" địa tầng hoàn thiện đầu tiên của khu vực này. Mỗi lát cắt bao gồm nhiều lớp đá giống như một chiếc bánh kẹp nhiều tầng mà các nhà địa chất nghiên cứu để tái hiện lại lịch sử của vùng.
Bức ảnh 3 chiều do tàu con thoi Endeavour chụp năm 2000. Himalaya được xem là già hơn nhiều so với tuổi tính toán gần đây. (Ảnh: AP) |
Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy nhiều dấu vết của một vùng bờ biển nông, từng nằm ở bờ phía Bắc Ấn Độ trước khi xô vào mảng Âu - Á, gần với biển Tethys và hình thành nên Himalaya ngày nay.
T. An