Hố Hiawatha rộng 31km có thể hình thành khi một tiểu hành tinh đâm xuống Trái đất với lực mạnh gấp vài triệu lần bom nguyên tử.
Ẩn dưới dải băng dày của Greenland, các nhà khoa học tìm thấy thứ được cho là vết tích của một vụ va chạm với thiên thạch khoảng 13.000 năm trước, khi con người đã xuất hiện trên Trái đất. Nhưng sau nhiều năm nghiên cứu bổ sung, hai nhóm nhà khoa học riêng biệt đã xác định rằng niên đại của hố va chạm này cổ xưa hơn rất nhiều - 58 triệu năm. Nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Science Advances hôm 9/3.
Chiếc hố mang tên Hiawatha, rộng 31 km và được các nhà nghiên cứu từ Viện GLOBE thuộc Đại học Copenhagen phát hiện vào năm 2015.
Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Đan Mạch và Viện GLOBE thuộc Đại học Copenhagen lấy mẫu cát từ hố trũng Hiawatha và nung nóng. Sau đó, họ xác định niên đại của vụ va chạm dựa vào khí argon thoát ra. Đồng thời, nhóm chuyên gia từ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Thụy Điển cũng lấy mẫu đá từ hố trũng và xác định niên đại của chúng bằng dấu vết uranium của khoáng vật zircon. Cả hai nhóm đều xác định chiếc hố tồn tại cách đây 58 triệu năm.
"Xác định niên đại của hố thiên thạch là nhiệm vụ vô cùng khó. Vì vậy, thật tuyệt vời khi hai phòng thí nghiệm ở Đan Mạch và Thụy Điển đã đưa ra cùng kết luận với các phương pháp xác định niên đại khác nhau. Tôi tin rằng chúng ta đã thực sự tìm được tuổi của chiếc hố và nó lâu đời hơn rất nhiều so với những gì mọi người từng nghĩ", Michael Storey, nhà khoa học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Đan Mạch, cho biết.
Chiếc hố mang tên Hiawatha, rộng 31km.
Vào thời điểm đó, Greenland không bị băng bao phủ mà có một rừng mưa xanh tốt. Khi tiểu hành tinh lao xuống Trái đất và tạo ra hố Hiawatha, lực tác động ước tính mạnh hơn bom nguyên tử vài triệu lần. Dù tác động đó chắc chắn đã hủy diệt một khu vực rộng lớn của Greenland, các nhà khoa học chưa rõ chính xác ảnh hưởng của vụ va chạm đến khí hậu toàn cầu.
Trong khi đó, ảnh hưởng của tiểu hành tinh gây ra hố Chicxulub ở Mexico rõ ràng hơn nhiều. Vụ va chạm nổi tiếng xảy ra cách đây 66 triệu năm này đã xóa sổ hầu hết các loài khủng long trên thế giới. Hố va chạm Chicxulub lớn gấp 6,5 lần Hiawatha.
Các nhà khoa học dự định tiếp tục nghiên cứu hố Hiawatha với hy vọng hiểu thêm về ảnh hưởng của nó trên cả quy mô địa phương lẫn toàn cầu.