Hố thiên thạch hơn 2,2 tỷ năm tuổi

  •  
  • 2.408

Hố va chạm thiên thạch lâu đời nhất trên Trái Đất ở thị trấn Yarrabubba có đường kính lên tới gần 70km.

Hố Yarrabubba ở Western Australia.
Hố Yarrabubba ở Western Australia. (Ảnh: ABC).

Nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Curtin ở Perth lần đầu tiên sử dụng phương pháp phân tích đồng vị của khoáng chất để tính toán niên đại chính xác của hố va chạm rộng 69,2km. Miệng hố ở Yarrabubba xuất hiện sớm hơn 200 triệu năm so với miệng hố lâu đời thứ hai trên Trái Đất tại Vredefort, Nam Phi. Nhóm nghiên cứu đứng đầu là tiến sĩ Timmons Erickson ở phòng Nghiên cứu vật liệu thiên văn và Khoa học khám phá của NASA, công bố phát hiện hôm 21/1 trên tạp chí Nature Communications.

Hố Yarrabubba nằm giữa hai thị trấn Sandstone và Meekatharra ở trung tâm bang Western Australia. Trước đó, giới nghiên cứu công nhận đây là cấu trúc tạo thành từ lực tác động nhưng chưa thể xác định chuẩn xác niên đại của nó, theo giáo sư Chris Kirkland tại Đại học Curtin. Bề mặt Trái Đất không ngừng thay đổi do kiến tạo địa chất và quá trình xói mòn, khiến những hố va chạm lâu đời rất khó nhận biết.

Nhóm nghiên cứu phân tích zircon và monazite, hai khoáng chất kết tinh lại dưới ảnh hưởng từ vụ va chạm thiên thạch ở đáy miệng hố Yarrabubba. Với niên đại 2,2 tỷ năm, Yarrabubba tồn tại lâu bằng một nửa độ tuổi Trái Đất (4,5 tỷ năm). Vụ va chạm cũng góp phần giúp Trái Đất thoát khỏi thời kỳ đóng băng, khí quyển và đại dương trở nên giàu oxy hơn.

Tính toán của nhóm nghiên cứu chỉ ra lực tác động trên lục địa đóng băng có thể làm bắn nửa nghìn tỷ tấn hơi nước vào khí quyển, giúp biến đổi khí hậu Trái Đất và tạo ra miệng hố khổng lồ còn tồn tại tới ngày nay.

Cập nhật: 26/01/2020 Theo VNE
  • 2.408