Những hóa thạch mới phát hiện có niên đại khoảng 85 triệu năm, mang lại thông tin hiếm và giá trị về khủng long Ornithomimosauria.
Chinzorig Tsogtbaatar, chuyên gia tại Bảo tàng Khoa học Tự nhiên Bắc Carolina, cùng các đồng nghiệp phát hiện, những con khủng long giống đà điểu mang tên Ornithomimosauria đã phát triển đến kích thước khổng lồ ở miền đông Bắc Mỹ cổ đại. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí PLOS ONE hôm 19/10.
Minh họa khủng long Aepyornithomimus thuộc họ Ornithomimosauriaia. (Ảnh: Masato Hattori/Wikimedia Commons)
Cuối kỷ Phấn Trắng, Bắc Mỹ bị một con đường biển chia cắt thành hai vùng đất: Laramidia ở phía tây và Appalachia ở phía đông. Nhưng hóa thạch từ Appalachia rất hiếm nên giới khoa học chưa thể hiểu rõ các hệ sinh thái cổ đại tại đây. Trong nghiên cứu mới, Chinzorig cùng đồng nghiệp trình bày về những hóa thạch mới phát hiện của khủng long Ornithomimosauria từ Hệ tầng Eutaw ở Mississippi.
Khủng long Ornithomimosauria có hình dạng giống đà điểu với đầu nhỏ, cánh tay dài và chân khỏe. Các hóa thạch mới, bao gồm cả xương bàn chân, có niên đại khoảng 85 triệu năm, mang lại những thông tin hiếm về một giai đoạn tiến hóa còn nhiều bí ẩn của khủng long Bắc Mỹ.
Bằng cách so sánh tỷ lệ của những hóa thạch này với kiểu phát triển bên trong xương, nhóm chuyên gia xác định rằng hóa thạch có thể thuộc về hai loài Ornithomimosauria, một loài tương đối nhỏ và một loài rất lớn. Họ ước tính loài lớn hơn nặng hơn 800 kg và cá thể được nghiên cứu có khả năng vẫn đang ở độ tuổi phát triển. Như vậy, đây là một trong những loài Ornithomimosauria lớn nhất từng ghi nhận.
Những hóa thạch mới phát hiện giúp làm sáng tỏ sự tiến hóa của Ornithomimosauria. Phát triển kích thước cơ thể khổng lồ và nhiều loài sống cạnh nhau là xu hướng lặp lại nhiều lần của Ornithomimosauria trên khắp Bắc Mỹ và châu Á. Các nhà khoa học hy vọng, nghiên cứu sâu hơn trong tương lai sẽ làm rõ lý do đằng sau thành công của những chiến lược sinh tồn này.