Các nhà khoa học hôm 1/7 công bố phát hiện hóa thạch hổ phách từ kỷ Phấn Trắng vẫn còn lưu giữ màu sắc thật của côn trùng cổ đại.
Hóa thạch thường trông rất mờ nhạt bởi hầu hết sắc tố và cấu trúc mang lại màu sắc cho động vật đều đã biến mất trước sự tàn phá của thời gian. Tuy nhiên, cũng có những ngoại lệ như phát hiện gần đây của các nhà nghiên cứu từ Viện Địa chất và Khảo cổ học Trung Quốc (NIGPAS).
Trong một kho hổ phách được khai quật tại miền bắc Myanmar, các nhà khoa học đã phục hồi được tổng cộng 35 hóa thạch côn trùng khác nhau có niên đại cách đây 99 triệu năm, trong đó có nhiều loài ong bắp cày cổ đại có hình dạng và màu sắc tương tự ong bắp cày ngày nay.
Hóa thạch côn trùng trong hổ phách 99 triệu năm tuổi vẫn giữ được màu sắc trung thực. (Ảnh: NIGPAS).
"Các hổ phách có từ giữa kỷ Phấn Trắng, thời kỳ hoàng kim của khủng long. Chúng chủ yếu là nhựa được tiết ra bởi những cây lá kim cổ thụ phát triển trong môi trường rừng mưa nhiệt đới. Hóa thạch động vật và thực vật bị mắc kẹt bên trong lớp nhựa dày này được bảo quản rất tốt, một số có màu sắc trung thực gần như khi còn sống", tác giả chính của nghiên cứu Cai Chenyang, Phó giáo sư tại NIGPAS giải thích.
Hóa thạch hổ phách ở Myanmar đã tiết lộ những con ong bắp cày cổ đại có sự pha trộn của nhiều màu sắc như xanh lam, xanh lục, xanh tím, xanh kim loại hay vàng lục. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn phục hồi được một số hóa thạch của bọ cánh cứng với cơ thể màu xanh lam và tím, cùng với một con ruồi lính có màu xanh kim loại đậm.
"Chúng tôi đã thấy hàng nghìn hóa thạch hổ phách trước đây, nhưng màu sắc của các mẫu vật ở Myanmar thực sự rất đáng kinh ngạc", Giáo sư Huang Diying tại NIGPAS nhấn mạnh.
Nhóm nghiên cứu cho biết thêm rằng loại màu sắc lưu giữ trong hóa thạch hổ phách được gọi là màu cấu trúc, bởi nó được tạo nên bởi cấu trúc nano của bề mặt động vật. Các cấu trúc này tán xạ nhiều bước sóng ánh sáng mặt trời khác nhau, tạo nên màu sắc rất nổi bật. Nghiên cứu đã được xuất bản trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B.