Ở những nơi có nhiều người với tuổi thọ trên trung bình, phần lớn người dân đều có những tình bạn tích cực.
Nhiều nghiên cứu về sức khỏe và các mối quan hệ thông thường tập trung vào khía cạnh yêu đương.
Tuy nhiên, theo Channel News Asia, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng ngoài "người ấy", hội chiến hữu thân thiết cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của chúng ta.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng bạn bè có tác động lớn đến sức khỏe mỗi người hơn là mối quan hệ tình cảm.
Một nghiên cứu tại Australia kéo dài 10 năm cho thấy những người lớn tuổi có nhiều bạn bè thì nguy cơ tử vong thấp hơn 22% so với những người có ít bạn hơn.
Vào năm 2006, một nghiên cứu trên gần 3.000 y tá bị ung thư vú cho thấy những phụ nữ không bạn thân đối diện nguy cơ tử vong từ căn bệnh này cao gấp 4 lần so với những phụ nữ có từ 10 người bạn trở lên.
Trong đó, độ thân thiết và tần suất liên lạc không gây ảnh hưởng nhiều. Miễn là có bạn bè, họ sẽ có cảm giác như được bảo vệ.
Trong một nghiên cứu khác kéo dài 6 năm với 736 người đàn ông Thụy Điển trung niên, việc gắn bó với bạn đời không ảnh hưởng đến nguy cơ đau tim và bệnh động mạch vành, nhưng với bạn bè thì có.
Nhiều người cao tuổi Nhật Bản sinh hoạt trong nhóm "moai" để hỗ trợ nhau trong cuộc sống.
Dan Buettner - nhà báo, tác giả nổi tiếng người Mỹ - đã nghiên cứu thói quen liên quan đến sức khỏe của nhiều người sống ở các khu vực có tuổi thọ trên trung bình.
Ông nhận thấy ở những khu vực này, phần lớn người dân đều có những tình bạn tích cực.
Tại Okinawa (Nhật Bản), nơi tuổi thọ trung bình của phụ nữ vào khoảng 90, cao nhất thế giới, mọi người sống với những cộng đồng nhỏ gọi là "moai" - nhóm gồm năm người bạn quan tâm, giúp đỡ nhau về tinh thần hay thậm chí là vật chất.
Trong một "moai", mọi người sống chan hòa, hạnh phúc khi mọi việc diễn ra suôn sẻ và các thành viên hỗ trợ lẫn nhau. Bên cạnh đó, mỗi thành viên cũng là người có ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành vi của thành viên khác.