Sáng qua (28-2), tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), các chuyên gia Việt Nam đã có cuộc trao đổi qua cầu truyền hình về chẩn đoán, điều trị cúm H5N1 với các nhà khoa học Nhật Bản và Australia. Đây là lần đầu tiên một hội thảo từ xa về cúm A được tổ chức.
Trong hội thảo này, bác sĩ Nguyễn Thị Tường Vân, Phó khoa Cấp cứu Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới đã trình bày kinh nghiệm điều trị bệnh nhân H5N1, điển hình là trường hợp anh Nguyễn Sỹ Tuân người Thái Bình, được cứu sống sau gần 3 tháng nằm viện với nhiều biến chứng nặng. Hiện bệnh nhân này đã phục hồi sức khỏe và cân nặng gần như trước đây.
Bà Tường Vân cho biết, cúm A hiện vẫn là mối lo sợ của thế giới khi dịch cúm ở gia cầm vẫn xuất hiện ở nhiều nơi. Vì vậy, các nước rất muốn tìm hiểu kinh nghiệm điều trị của Việt Nam, nơi có đông bệnh nhân nhất và nhiều người đã được cứu sống.
Một bệnh nhân bị viêm đường hô hấp cấp do virus cúm H5N1
được điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới đầu năm 2005 (Ảnh: TTO)
"Cuộc trao đổi sáng nay cho thấy có độ chênh khá lớn về quan điểm điều trị cúm A giữa Việt Nam và thế giới", bác sĩ Vân nói. Theo các chuyên gia quốc tế, trong điều trị bệnh nhân H5N1, yếu tố quan trọng nhất là dùng Tamiflu để ức chế sự phát triển của virus, còn việc dùng kháng sinh liều cao và corticoide không được đánh giá cao.
Tuy nhiên, kinh nghiệm thực tế ở Việt Nam cho thấy, trong bệnh cúm A cũng như bệnh SARS trước đây, cái gây tử vong không phải virus gây bệnh mà chính là các biến chứng như bội nhiễm, suy đa phủ tạng, phù phổi... Vì vậy, để cứu sống bệnh nhân, cần áp dụng phác đồ trị liệu tổng hợp, ngoài việc dùng thuốc kháng virus còn phải chỉ định kháng sinh, thuốc chống viêm và các liệu pháp khác tùy từng trường hợp cụ thể. Với cách làm này, Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới đã cứu sống được rất nhiều bệnh nhân trong các đợt dịch SARS và cúm A.
Tại cuộc hội thảo từ xa, các chuyên gia Nhật Bản cũng đưa ra một số hình ảnh tổn thương phổi của bệnh nhân H5N1 để trao đổi về khâu chẩn đoán. Còn phía Australia (nơi chưa có bệnh nhân) chia sẻ về kế hoạch phòng chống đại dịch cúm của họ.
Bà Tường Vân cho biết, trong thời gian tới, sự trao đổi quốc tế qua cầu truyền hình về chẩn đoán, điều trị bệnh viêm đường hô hấp sẽ được tổ chức thường xuyên hơn.
Giáo sư Nguyễn Thu Vân, Giám đốc Công ty Văcxin và Sinh phẩm số 1 - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết với tiến độ như hiện nay, dự tính quá trình nghiên cứu sản xuất văcxin phòng cúm A type H5N1 tại đơn vị này sẽ hoàn tất vào cuối 2006. Trước mắt, viện có thể sản xuất 2- 3 triệu liều/năm, đủ cho khoảng 1 triệu người. Hiện văcxin H5N1 của Việt Nam đã qua giai đoạn thử nghiệm tiền lâm sàng với kết quả tốt. Chế phẩm này sẽ được thử nghiệm lâm sàng (trên người) sau khi được Tổ chức Y tế Thế giới thẩm định, đánh giá là đủ điều kiện. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã lắp đặt xong dây chuyền sản xuất văcxin này để có thể vận hành ngay khi được phép. |