Lật tẩy bí mật về "nước tàng hình"

  •   3,73
  • 8.519

Trẻ con lên ba cũng có thể thực hiện được màn ảo thuật này.

Trước hết xin mời bạn đọc thư giãn với 1 video clip ngắn về "nước tàng hình". Sau đó, bài viết xin được phép "lật tẩy" mánh khóe của "trò ảo thuật" này.

Sự thật là không cần phải khua tay múa chân, không cần dây treo trong suốt, hay bất cứ một hiệu ứng kĩ thuật số nào cả. Trẻ con lên ba cũng có thể thực hiện được màn ảo thuật trên một khi biết mẹo được sử dụng ở đây chính là "nước tàng hình".

Thật vậy, "Nước tàng hình" chính là một loại khí không màu, không bắt lửa mang tên "sulfur hexafluoride" (công thức hóa học SF6). Khác với đa số các loại khí, sulfur hexafluoride này khi bơm vào bể nước, nó sẽ chìm xuống đáy giống như nước nhưng không màu nên không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Khí này hoạt động y hệt như nước trong màn ảo thuật nên mới có biệt danh là "nước tàng hình". Do đặc điểm này, các vật nhẹ hơn nó dễ dàng nổi lên trên bề mặt của "nước tàng hình". Có một điều hết sức bất ngờ là sự ly kỳ của "nước tàng hình" được giải mã một cách "siêu đơn giản" nhờ vài mẩu kiến thức trong sách giáo khoa trung học.

Đầu tiên, nguyên nhân làm cho "nước tàng hình" không bị khuếch tán vào trong không khí là do khối lượng phân tử của "nước tàng hình" vượt trội so với khối lượng phân tử trung bình của không khí ( 146 so với 29). Hơn nữa, mật độ phân tử "nước tàng hình" cao hơn gấp 5 lần so với mật độ phân tử không khí. Hãy hình dung 2 chiếc hộp kín giống hệt nhau, nếu ở chiếc hộp đầu tiên có thể chứa 5 triệu phân tử "nước tàng hình" thì ở chiếc hộp thứ hai chỉ chứa được 1 triệu phân tử không khí.

Về việc các vật thể trong màn ảo thuật nổi lềnh bềnh trên "nước tàng hình" dựa trên "lực đẩy Archimedes". Định luật này có thể hiểu đơn giản như sau với minh họa hình vẽ dưới đây:

Lật tẩy bí mật về "nước tàng hình"

- Khi nhúng 1 vật vào nước, vật sẽ chịu tác dụng của 2 lực ngược chiều nhau:

  • Trọng lực (Gravity)
  • Lực đẩy Acsimet (Buoyancy)

Điều kiện để vật này nổi là khi vật ở trên bề mặt nước, 2 lực cân bằng nhau - Trọng lực gần như là không đổi. Lực Acsimet phụ thuộc vào "mật độ vật chất" của nước và "thể tích" mà vật đó chiếm chỗ trong nước. Khi thả một vật từ mặt nước xuống, vật sẽ từ từ chìm xuống (lực Acsimet tăng dần ,do thể tích chiếm của nước tăng dần). Khi lực Acsimet tăng đến khi bằng trọng lực thì vật thôi không chìm nữa và nổi trên mặt nước.

Do giấy bạc và các vật dụng làm ảo thuật: hoặc là "mật độ vật chất" cực nhỏ (làm cho trọng lực nhỏ), hoặc là rất rộng và có nhiều không khí xung quanh (thể tích lớn, dẫn đến lực Acsimet lớn), đương nhiên lực Acsimet lớn hơn trọng lực tác động lên các vật nhiều và vật nổi "như thật".

Bên cạnh việc thu hút các fan hâm mộ ảo thuật và những đôi mắt hiếu kì. "nước tàng hình" còn có những ứng dụng rất thực tiễn như dùng trong hệ thống máy thở y tế, hay sử dụng làm vật liệu cách điện trong ngành công nghiệp điện.

Kết luận

Nếu bạn là một người đam mê các hiện tượng vật lý, hãy cân nhắc việc phát triển nghề tay trái thành "ảo thuật gia" để củng cố tài chính trong thời buổi kinh tế khó khăn này. Nếu bạn là một người bình thường thì cũng chẳng sao cả. Một lúc nào đó, nếu bạn thấy phát ngán vì phải tìm hiểu những vấn đề kì quặc, hãy cố gắng tạo sự liên tưởng thú vị tương tự như câu chuyện "định luật Acsimet" "nước tàng hình".

Cập nhật: 30/03/2019 Theo Trí Thức Trẻ, HowStuffWorks
  • 3,73
  • 8.519