Những cánh đồng ngô màu mỡ, bề mặt đất đai không ổn định sau lở đất hay thảm họa lốc xoáy được ghi lại chân thực và sinh động qua hình ảnh vệ tinh.
Bờ Đại Tây Dương khô cằn ở khu vực Tây Phi, cùng sự phản chiếu của tia nắng mặt trời trên đại dương và các phá nước mặn (hay còn được gọi là sabkha). Ảnh chụp từ Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS.
Vụ lở đất xảy ra trên một ngọn núi ở vùng Grand Mesa, phía tây bang Colorado, Mỹ, hồi cuối tháng 5 vừa qua. Khu vực này được chụp lại lại từ vệ tinh Landsat 8 hôm 7/6. Bề mặt ở nhiều khu vực trở nên không ổn định sau tác động của những cơn mưa lớn.
Các cánh đồng ngô ở trung tây nước Mỹ được coi là một trong những khu vực đất đai màu mỡ nhất trên thế giới. Điều này có thể được quan sát qua dữ liệu hình ảnh vệ tinh của NASA (ảnh). Tuy nhiên, các nhà khoa học lo ngại rằng, tình hình hạn hán kéo dài có thể ảnh hưởng đến khu vực này trong tương lai.
Trong ảnh là bản đồ thời gian thực và cập nhật liên tục về chuyển động của gió trên khắp nước Mỹ, được hình thành từ dữ liệu của Cơ quan Dữ liệu Dự báo Kỹ thuật số Quốc gia.
Cánh đồng băng bắc Patagonia trên dãy núi Andes ở Chile là phần còn lại của một mảng băng lớn từng bao phủ toàn bộ khu vực này cách đây khoảng một triệu năm. Ảnh vệ tinh cho thấy trong nhiều năm qua, quá trình biến đổi khí hậu đang khiến khối lượng băng ở đây mất dần.
Thảm họa lốc xoáy kép ở Pilger, bang Nebraska, Mỹ, được tái hiện qua hình ảnh vệ tinh của NASA. Các ô vuông màu đỏ trên thực tế là những cánh đồng xanh, những vệt màu nâu là đường đi của lốc xoáy.
Một điểm trên cao của núi lửa Kizimen, nằm ở bán đảo Kamchatka thuộc vùng Viễn đông của Nga. Sau 9 tháng hoạt động, núi lửa vẫn được bao phủ tuyết trắng, hai hồ nước lớn ở chân miệng núi lửa vẫn đóng băng.
Trong quá trình nghiên cứu, các chuyên gia của đoàn Khảo sát Địa chất Mỹ đã ghi lại được cảnh Mặt Trời mọc ở Bắc Băng Dương. Đây là hình ảnh chụp từ phía con tàu nghiên cứu mang tên USGC Healy.