Hôm nay, “OPEC khí đốt” có ra đời?

Hôm nay, tại Doha (Qatar) khai mạc Diễn đàn các nước xuất khẩu khí đốt (GECF). Được thành lập từ năm 2001 tại Tehran (Iran), diễn đàn này cho đến nay ít người biết đến. Thế nhưng tình hình nay đã thay đổi, với dư luận về khả năng xuất hiện một “OPEC khí đốt”.

Diễn đàn này có 14 quốc gia giàu tài nguyên khí đốt, trong đó có những đối tác lớn như Nga, Iran, Qatar, Algeria, Indonesia (kiểm soát 70% trữ lượng khí đốt thế giới, theo báo Kommersant).

Người đầu tiên trên thế giới công khai “phát pháo” về việc thành lập một cartel (tập đoàn độc quyền) khí đốt là giáo chủ Iran Ayatollah Ali Khamenei, nhân chuyến thăm Iran của chủ tịch Hội đồng an ninh Nga Igor Ivanov vào đầu năm 2006. Tại cuộc họp báo ở Qatar hồi tháng hai sau đó, Tổng thống Nga V. Putin đã nói với tiểu vương Qatar Sheik Hamad bin Khalifa Al Thani rằng đây là “một đề nghị thú vị”.

Viktor Khristenk, Bộ trưởng Công nghiệp và năng lượng Nga (Ảnh: AFP)

Tổng thống Algeria Abdelaziz Bouteflika cũng từng tuyên bố cá nhân ông ủng hộ tổ chức này. Trinidad & Tobago - quốc gia nhỏ ở Caribê nhưng là một thành viên của diễn đàn - cũng nói sẽ tham gia các cuộc thương lượng về việc thành lập cartel. Venezuela là một ủng hộ viên tích cực cho ý tưởng trên, thậm chí còn đi đầu với việc lập một cartel khu vực Nam Mỹ hồi đầu năm nay, gồm Venezuela, Bolivia, Argentina.

Chính vì nỗi “ám ảnh OPEC” này mà ngay sau khi Gazprom với Công ty nhà nước Algeria Sonatrach ký bản ghi nhớ về việc hợp tác, cao ủy châu Âu về năng lượng Andris Piebalgs cuối tháng 3-2006 đã cảnh báo các nhà xuất khẩu khí đốt nếu họ nghĩ tới việc thành lập cartel thì ông sẽ kêu gọi phát triển nguồn năng lượng thay thế, gồm năng lượng hạt nhân và công nghệ than sạch. Nghị sĩ Cộng hòa Ileana Ros-Lehtinen trong Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ ngày 2-4 cũng viết thư kêu gọi Ngoại trưởng Mỹ C. Rice chống lại việc thành lập tổ chức toàn cầu này.

Cho đến nay, các chuyên gia châu Âu cho rằng những tuyên bố về thành lập “OPEC khí đốt” có vẻ “diễn” hơn là thực chất, mục tiêu là nhằm đe dọa châu Âu. Không phải họ không có lý: các hợp đồng khí đốt thường là dài hạn vì thế không thể đổi giá đột ngột như dầu thô. Các đường ống khí đốt hiện vẫn rất manh mún, hạn chế khả năng phân phối của các nhà xuất khẩu. Mặt khác, các thành viên của cartel khí đốt tương lai có những quyền lợi quá khác nhau.

Qatar không ủng hộ việc công khai chống Mỹ, trong khi báo chí Algeria vẫn hoài nghi về quan hệ giữa Algeria và Nga. Iran, nước mạnh miệng nhất, nhưng vì nhiều lý do (nhu cầu nội địa tăng, cơ sở hạ tầng yếu kém, bị cấm vận) trên thực tế lại là nước nhập khẩu khí tự nhiên và cả Venezuela sẽ chung số phận sau vài năm nữa.

Hôm qua Bộ trưởng Công nghiệp và năng lượng Nga Viktor Khristenko khẳng định ngay trước ngày họp rằng “một OPEC khí đốt sẽ chưa được thành lập tại Doha”. Forbes cũng cho rằng cuộc họp hôm nay chủ yếu chỉ thảo luận về hợp tác giữa các nước xuất khẩu khí tự nhiên, dù tác giả Brian Wingfield nhấn mạnh: “Nhưng cũng giống như OPEC hồi năm 1960, ai biết được việc hợp tác ấy sẽ như thế nào sau mười năm nữa...?

Điều mà người ta lo sợ nhất đối với một “OPEC khí đốt” chính là cụm từ “OPEC”. Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu hỏa này được thành lập năm 1960. Trong mười năm tiếp đó, OPEC vẫn chỉ là một cơ chế rỗng như GECF hiện nay. Thế rồi năm 1973, khi  cuộc chiến Ả Rập - Israel nổ ra và các thành viên OPEC nhân cơ hội này giảm khai thác dầu, kích động một cuộc khủng hoảng năng lượng lớn, chỉ trong nửa năm giá dầu tăng từ 2 USD lên 12 USD!

NG.THANH

Theo WSJ, Kommersant, Forbes, Tuổi trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video