1.212 tỷ đồng là tổng kinh phí dành cho hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ của các trường ĐH, CĐ trên cả nước trong giai đoạn 2001-2006.
Đó là con số vừa được công bố tại Hội nghị Chuyên đề về Hợp tác quốc tế (HTQT) và Nghiên cứu khoa học (NCKH) trong các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2001-2006 và định hướng giai đoạn 2007-2015 vừa tổ chức ngày 8-6 tại Hà Nội.
Đặc biệt, những năm qua, các trường ĐH đã ký hợp đồng và chuyển giao công nghệ với các doanh nghiệp địa phương và cơ sở sản xuất với tổng doanh thu lên tới hơn 577 tỷ đồng.
Các dự án hợp tác quốc tế đã mang về cho các trường ĐH, CĐ nguồn tài chính trị giá khoảng hơn 550 triệu USD.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Văn Nhung cho biết trong giai đoạn 2007-2015 sẽ xây dựng tiêu chí đánh giá hoạt động khoa học và công nghệ trong công tác kiểm định các trường ĐH, CĐ. Đồng thời, quy định rõ các nhiệm vụ cần thực hiện trong thời lượng 30% định mức giờ làm việc của giảng viên dành cho NCKH.
Toàn cảnh hội nghị hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học
trong các trường ĐH, CĐ. (Ảnh: Phạm Hải)
Thứ trưởng nhấn mạnh: "Cần đầu tư trọng điểm để hình thành chuỗi phòng thí nghiệm chuyên ngành, tập hợp các nhà khoa học để liên kết thành nhóm NCKH chất lượng cao, tạo cơ chế cho các nhóm này hoạt động, nghiên cứu theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, các trường ĐH, viện nghiên cứu nước ngoài. Bên cạnh đó, cần hình thành và phát triển các yếu tố cấu thành của thị trường công nghệ, trong đó có chợ công nghệ trên mạng để tiếp nhận đơn đặt hàng nghiên cứu".
Cũng trong hội nghị, 24 đơn vị có thành tích xuất sắc trong NCKH như ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP.HCM, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế TP.HCM... đã được nhận bằng khen của Bộ trưởng GD-ĐT.
LAN HƯƠNG