Hơn 800 triệu nam giới đang sinh sống ở châu Á hiện nay là hậu duệ của chỉ 11 người đàn ông, kể cả Thành Cát Tư Hãn - người sáng lập ra đế chế Mông Cổ, theo một nghiên cứu mới.
Các chuyên gia di truyền học thuộc Đại học Leicester (Anh) đã lần theo dấu vết ADN ở những người đàn ông châu Á thời hiện đại để tìm ra ông tổ của họ.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân tích các nhiễm sắc thể Y (NST Y) của 5.321 người đàn ông thuộc 127 nhóm dân cư khác nhau trên khắp châu Á. Họ phát hiện, 11 chuỗi NST Y phổ biến xuất hiện lặp đi lặp lại ở các bộ gene được nghiên cứu.
Bản đồ mô tả các dòng giống người (ký hiệu DC) ở châu Á. (Ảnh: Nature)
Bằng cách tìm kiếm các đột biến ngẫu nhiên đặc biệt tích tụ theo thời gian đối với những chuỗi NST Y này, nhóm nghiên cứu đã có thể phỏng đoán gần đúng thời điểm khởi phát chúng. Họ khám phá ra rằng, ngoài Thành Cát Tư Hãn - người được đồn thổi là cha đẻ của hàng trăm đứa con, còn có 10 người đàn ông khác đã khai sinh ra những dòng giống còn lại ở khắp châu Á.
Trong số đó là một dòng giống có ông tổ là Giocangga, một nhà cầm quyền Trung Quốc qua đời vào năm 1583 và có cháu trai là người sáng lập ra nhà Thanh, trị vì Trung Quốc trong giai đoạn 1644 - 1912. Giocangga được cho là có rất nhiều con với các vợ và tì thiếp, và là ông tổ trực tiếp của hơn 1,5 triệu nam giới châu Á.
Theo báo cáo nghiên cứu, một dòng giống người châu Á khác dường như tạo thành các nhóm dân cư sống rải rác dọc tuyến giao thương có tên gọi là "Con đường tơ lụa" và ra đời từ khoảng năm 850 sau Công nguyên. Điều này ám chỉ, dòng giống người châu Á này có thể bắt nguồn từ các nhà cầm quyền hùng mạnh, thống trị các vùng thảo nguyên mà Con đường tơ lụa đi qua như Khiết Đan, Tây Hạ, Juchin, Tây Liêu và các đế chế Mông Cổ.
Nhóm nghiên cứu nhận đinh, ông tổ của dòng giống người này có thể là Liêu Thái Tổ - hoàng đế đầu tiên của Khiết Đan hoặc Thành Cát Tư Hãn, người qua đời vào năm 926 sau Công nguyên.
Những ông tổ nói trên của các dòng giống người châu Á được xác định xuất hiện vào khoảng năm 2100 trước Công nguyên tới năm 1100 sau Công nguyên. Họ sống ở cả các xã hội làm nghề nông tại chỗ lẫn các bộ lạc du canh, du cư từ Trung Đông sang Đông Nam Á.
Viết trên tạp chí European of Human Genetics, giáo sư Mark Jobling, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết: "Việc đông con đông cháu thường gắn liền với những người đàn ông có địa vị xã hội cao, "danh giá" và có nhiều tì thiếp, nàng hầu. Con cái của họ cũng có tỉ lệ tử vong thấp hơn".