Hồng hoàng - Điểu lôi linh thiêng của người Zimbabwe

Hồng hoàng là loài chim lớn, quý hiếm và sắp bị tuyệt chủng của châu Phi. Riêng tại Matobo, Zimbabwe, chúng vẫn sinh trưởng mạnh mẽ.

Ndebele và Kalanga, 2 tộc người thiểu số sống tại Matobo tin Hồng hoàng là hóa thân của sấm và mưa. Chỉ cần chúng liên tục cất tiếng kêu trầm đục, vang xa như tiếng sấm, trời sẽ sớm đổ cơn mưa mát lành.

Tôn kính như thần


Hồng hoàng phía Nam, loài chim đặc hữu quý hiếm của châu Phi.

Hồng hoàng tên khoa học là Bucorvus leadbeateri (Hồng hoàng phía Nam), thuộc loài chim mỏ sừng kiếm ăn trên mặt đất vùng Bucorvidae, động vật có xương sống đặc hữu châu Phi. Kích thước của chúng lớn, dài từ 90 – 120cm, trọng lượng 2,2 – 6,2kg. Loài chim này cũng có ngoại hình bắt mắt, với bộ lông đen mượt, cặp mỏ thô dài và mào yếm đỏ chót.

Người Ndebele và Kalanga gọi Hồng hoàng phía Nam là Amahundundu. Cái tên này mô phỏng theo tiếng kêu như tiếng sấm, vang xa đến 5km của chúng.

Tín ngưỡng Ndebele và Kalanga tin Hồng hoàng phía Nam là chim gọi mưa. Mỗi năm, cứ đến cuối mùa khô (khoảng tháng 10), họ lại trông mong Amahundundu cất tiếng. Chỉ cần loài chim này kêu đều vài ngày, những đám mây đen liền kéo đến. Sau đó không lâu, trời sẽ đổ mưa.

Người Ndebele và Kalanga yêu quý gọi Amahundundu là điểu lôi, điểu vũ. Họ cũng cực kỳ tôn kính loài chim này, tổ chức tang lễ trang trọng như đối với thành viên trong cộng đồng khi nó chết đi.

“Giết Amahundundu là chọc giận thần linh và phải trả giá đắt. Trời sẽ không mưa và kẻ ra tay sẽ phát điên, bị đuổi ra khỏi làng suốt đời”, các bô lão Ndebele và Kalanga răn dạy con cháu.

Sống chung hòa hợp


Trẻ em ở Matobo là nhân lực quan sát chim Hồng hoàng phía Nam cốt yếu.

Buổi chiều cuối mùa khô đầy bụi, Sofaya Ndlovu – cư dân Matobo ngồi thư giãn bên ngoài nhà. Cách anh chỉ tầm 50m, trên khoảng đất được quét dọn sạch sẽ, con Hồng hoàng phía Nam đứng ngó nghiêng. Sau vài phút do dự, nó nhấc chân, bước đến một tổ dế và bắt đầu đào bới bằng những chiếc vuốt cùn, khỏe mạnh.

Chẳng mấy chốc, con chim này đã tóm được con mồi đang trốn trong lòng đất. Nó hối hả cắp chạy đến chỗ con chim non đang đợi, mớm cho ăn.

“Ngày nào tôi cũng nghe thấy động tĩnh từ chúng”, Ndlovu khoe. Tại Matobo, phần lớn cư dân là nông dân, sống dựa vào tự cung tự cấp. Vì yêu quý Hồng hoàng phía Nam, họ để mặc chúng tự tung tự tác.

Đất canh tác của các cư dân Matobo sát ngay Vườn quốc gia Matobo. Họ thường bị các loài động vật hoang dã như khỉ, sóc, chuột… gây phiền hà. Để bảo vệ vườn tược, người Ndebele và Kalanga bắt buộc phải xua đuổi. Trùng hợp là việc làm này của họ lại vô tình đem lợi ích đến cho Hồng hoàng phía Nam.

Theo ghi nhận khoa học, Hồng hoàng phía Nam là loài chậm sinh sản. Phải từ 9 - 10 năm tuổi, chúng mới kết đôi và đẻ trứng. Mỗi tổ Hồng hoàng phía Nam từ 1 – 3 trứng, nhưng chỉ nở được 1 con. Thời gian ấp trứng kéo dài 40 – 45 ngày và thời gian nuôi con lên tới 2 năm.

Suốt thời kỳ trứng và con non, Hồng hoàng phía Nam dễ bị các loài động vật hoang dã ăn mất. Cảm nhận được thiện ý từ người dân Matobo, loài chim này vào tận sát làng làm tổ, đẻ và nuôi con an toàn.

Ngoài tránh kẻ thù, chúng còn được thêm một mối lợi khác: Thức ăn dồi dào. Các vườn tược Matobo thu hút nhiều loài côn trùng, gặm nhấm và đặc biệt là rắn, món khoái khẩu của loài chim này. Có thể nói, mối quan hệ giữa người dân Matobo và Hồng hoàng phía Nam là cộng sinh, đôi bên cùng có lợi.

“Người bảo vệ tổ”


Evans Mabiza, nhà sinh thái kiêm trưởng nhóm nghiên cứu chim Hồng hoàng phía Nam ở Matobo.

Nếu ở ngoài tự nhiên châu Phi, Hồng hoàng phía Nam chỉ có thể sinh sản thành công sau mỗi 6 - 9 năm thì tại Matobo là 1 – 2 năm. Với tuổi thọ lên tới 70 năm, loài chim quý hiếm bậc nhất châu Phi này gia tăng quân số mạnh mẽ.

“Cư dân Matobo xem Hồng hoàng phía Nam như con người vậy” - Evans Mabiza, nhà bảo tồn chim Zimbabwe có thâm niên làm việc 14 năm tại Matobo, cho biết - “Trước đây, nhiều nền văn hóa châu Phi cũng thế nhưng bây giờ, tín ngưỡng điểu lôi, điểu vũ đã bị xói mòn”.

Nhà sinh học Lucy Kemp cho biết: “Chúng ta cần bảo vệ bằng được Hồng hoàng phía Nam. Việc làm này không chỉ vì sinh thái, mà còn vì lưu giữ văn hóa”.

Ở cả Matobo và nhiều vùng đất khác của châu Phi, Hồng hoàng phía Nam tồn tại trong vô số câu hát, bài ca, truyện kể, truyền thuyết dân gian. “Mất Hồng hoàng phía Nam là mất cả trái tim và linh hồn”, Kemp nhấn mạnh.

Bắt đầu từ năm 2007, Zimbabwe chính thức khởi động dự án nghiên cứu và bảo vệ Hồng hoàng phía Nam. Matobo trở thành địa điểm trọng yếu, được nhóm do Mabiza lãnh đạo cắm trại thực địa. Ban đầu, họ bị người Ndebele và Kalanga tránh né vì tưởng có mục đích xấu.

Bây giờ, cư dân Matobo yêu quý và hợp tác với nhóm của Mabiza. Từ trẻ con đến người già đều nhiệt tình báo cáo kết quả quan sát, tạo điều kiện cho Mabiza thiết lập hồ sơ chính xác.

“Amahundundu là sứ giả của thần linh”, Moyo, cư dân Matobo chia sẻ. Hiện, Matobo có 17 người (bao gồm cả Moyo) đang làm “người trông tổ Amahundundu”. Họ theo dõi từ khi chim trống cất tiếng kêu gọi bạn tình, chú ý bảo vệ trứng và con non chặt chẽ.

Mỗi tháng, Mabiza ghé Matobo vài ba lần. Nhờ người dân, đặc biệt là các trẻ em, ông thu thập được nhiều tư liệu quan sát đàn chim quý giá. “Tôi cảm giác, Matobo sẽ trở thành trung tâm nghiên cứu Hồng hoàng phía Nam cho toàn châu Phi”, Mabiza tự hào.

Ông hy vọng câu chuyện thực tế ở đây sẽ lan truyền cảm hứng khắp nơi, khiến mọi người thấy được ý nghĩa và giá trị sinh thái, văn hóa của việc bảo vệ một loài sinh vật sắp tuyệt chủng.

Cập nhật: 07/01/2022 Theo GD&TĐ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video